Theo số liệu cập nhật từ Forbes, tổng tài sản 6 tỷ phú giàu nhất Việt Nam trong ngày hôm nay (19/1) là 19 tỷ đô la Mỹ, tương đương hơn 5% GDP Việt Nam. Trong nhóm ASEAN-6, chỉ có duy nhất Việt Nam là giữ nguyên số lượng tỷ phú, còn các quốc gia Đông Nam Á lớn khác đều có sự xuất hiện của các tỷ phú mới.
So với tháng 4/2020, đến nay, tổng tài sản của các tỷ phú ở Việt Nam đã tăng 46%.
Tại Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch HĐQT Vingroup), người được xem là tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam, hiện có tài sản 7,5 tỷ đô la Mỹ, tương đương 170.513 tỷ đồng, đứng thứ 354 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh.
Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Vingroup
Với số tài sản này, nếu làm một phép tính đơn giản, giả sử mỗi ngày ông Vượng tiêu 1 tỷ đồng, ông sẽ mất 170.513 ngày, tương đương hơn 467 năm để tiêu hết số tiền ông đang có. Và nếu tiêu 10 tỷ đồng mỗi ngày thì ông phải mất đến hơn 46 năm. Tất nhiên, tính toán này là trong trường hợp tài sản của ông không đổi, không tăng cũng không giảm.
Người giàu thứ hai Việt Nam theo Forbes là ông Trần Đình Long (Chủ tịch HĐQT Hòa Phát), với tài sản 3 tỷ đô la Mỹ (tương đương 66.227 tỷ đồng), đứng thứ 1.077 trong danh sách giàu nhất hành tinh.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát
Nếu tiêu 1 tỷ đồng mỗi ngày, ông Long cần hơn 181 năm để tiêu hết tài sản.
Vẫn theo công thức đơn giản kể trên, bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO VietJet Air), với tài sản 2,6 tỷ đô la Mỹ cần 162 năm, ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch HĐQT Techcombank), với tài sản 2,4 đô la Mỹ cần 150 năm, ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch HĐQT Masan), với tài sản 1,9 tỷ đô la Mỹ, cần 118 năm và ông Trần Bá Dương (Chủ tịch HĐQT Thaco), với tài sản 1,6 tỷ đô la Mỹ, cần 99 năm mới tiêu hết tài sản.
Hiện nay, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,7 tuổi.
Tỷ phú thế giới thì sao?
Top 3 người giàu nhất hành tinh vẫn là những cái tên quen thuộc: Elon Musk, Bernard Arnault và Jeff Bezos.
Cụ thể, Elon Musk - CEO Tesla và Space X hiện đã trở thành người giàu nhất thế giới với tài sản định giá lên tới 263,8 tỷ đô la Mỹ.
Elon Musk - CEO Tesla và Space X
Chủ thương hiệu đồ xa xỉ LVMH - ông Bernard Arnault, xếp thứ 2 với 185,6 tỷ đô la Mỹ. Jeff Bezos - nhà sáng lập và CEO hãng bán lẻ trực tuyến Amazon, trụ ở vị trí số 3 với con số sát nút 184,8 tỷ đô la Mỹ.
Nếu vẫn tính theo công thức đơn giản kể trên, thì Elon Musk sẽ cần 723 năm để tiêu mỗi ngày 1 triệu đô la Mỹ, Bernard Arnault cần 508 năm và Jeff Bezos cần 506 năm.
Tất nhiên, việc tính toán như vậy chỉ là tương đối, vì tài sản của các tỷ phú này cũng dựa nhiều vào giá trị cổ phiếu, vì hầu hết tài sản của các tỷ phú hiện nay đều đến từ cổ phần của họ trong các công ty lớn. Mà giá cổ phiếu thì thay đổi hàng ngày, hàng giờ.
Số lượng tỷ phú trong danh sách Giàu nhất thế giới được công bố lần thứ 35 của Forbes đã tăng vọt lên con số 2.755 người. Đáng chú ý, cứ mỗi 17 giờ thì có một tỷ phú mới được tạo ra. Con số đáng kinh ngạc khác là 86% các tỷ phú đã giàu hơn so với một năm trước.
Tổng cộng những tỷ phú này đang sở hữu khối tài sản 13,1 nghìn tỷ đô la Mỹ, tăng từ 8 nghìn tỷ đô la Mỹ vào năm 2020. Đặc biệt, tài sản của 10 người giàu nhất thế giới đã tăng gấp đôi, lên đến 1.500 tỷ đô la Mỹ kể từ thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát. Theo báo cáo của Oxfam, thu nhập của 99% dân số thế giới giảm trong giai đoạn từ tháng 3/2020 đến tháng 10/2021, trong khi tài sản của 10 vị tỷ phú tăng 1,3 tỷ đô la Mỹ mỗi ngày.
Mỹ vẫn có nhiều tỷ phú nhất, với 724 tỷ phú, tiếp theo là Trung Quốc với 698 đại diện. Mỹ và Trung Quốc không chỉ có nhiều tỷ phú hơn bao giờ hết, mà khối tài sản của những người giàu nhất tại các nước này còn liên tục phình to.
Trong khi đó, tài sản của các tỷ phú châu Âu đã tăng lên mức 3 nghìn tỷ đô la Mỹ, vì những người giàu nhất thế giới, phần lớn vẫn được bảo vệ khỏi những tác hại tài chính do đại dịch Covid-19 gây ra.