Tổng tài sản của các tỷ phú trên thế giới giảm 388 tỷ USD xuống còn 8.539 tỷ USD, theo báo cáo UBS/PwC Billionaires Report công bố hôm nay. Tài sản giảm nhiều nhất tại Trung Quốc đại lục, khu vực có nhiều tỷ phú thứ hai thế giới, sau Mỹ, và khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung.
Các ngân hàng tư nhân, bao gồm UBS – đơn vị quản lý tài sản lớn nhất thế giới, chịu ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và bất ổn chính trị toàn cầu. Khách hàng của họ tránh xa giao dịch, nợ để tăng nắm giữ tiền mặt.
“Tài sản của giới tỷ phú giảm trong năm 2018, lần đầu tiên kể từ năm 2008, do yếu tố địa chính trị”, Josef Stadler, trưởng bộ phận phụ trách khách hàng siêu giàu của UBS, cho biết.
Tài sản của giới nhà giàu Trung Quốc giảm 12,8% nếu tính theo USD do thị trường chứng khoán biến động, nội tệ suy yếu và tăng trưởng của nền kinh tế số hai thế giới năm 2018 chậm nhất gần 30 năm, khiến hàng chục người phải rời danh sách tỷ phú.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn sản sinh ra một tỷ phú mới sau mỗi 2 – 2,5 ngày, theo Stadler.
Trên thế giới, số lượng tỷ phú cũng giảm, ngoại trừ ở Mỹ.
“Báo cáo cho thấy sự bền bỉ của kinh tế Mỹ”, nơi có 749 tỷ phú vào cuối năm 2018, John Matthews, trưởng bộ phận quản lý tài sản cá nhân và doanh nghiệp siêu giá trị ở Mỹ của UBS, cho biết.
Dù thị trường chứng khoán đã phục hồi sau đợt giảm mạnh vào cuối năm 2018, các gia đình siêu giàu trên thế giới vẫn lo ngại về những vấn đề toàn cầu, từ căng thẳng thương mại, Brexit cho tới chủ nghĩa dân túy, biến đổi khí hậu. Họ tiếp tục xu hướng giữ tiền mặt nhiều hơn.
“Tài sản của giới siêu giàu sẽ tăng trở lại trong năm nay”, theo Simon Smiles, giám đốc đầu tư của UBS phụ trách các khách hàng siêu giàu. Tuy nhiên, mức tăng khả năng cao sẽ thấp hơn dự báo của thị trường.