Một số người bày tỏ sự ghê tởm của họ, trong khi những người khác hỏi xem họ có thể giúp được gì. Tuy nhiên, không phải tất cả các hành động và bình luận của họ đều được đón nhận.
Dưới đây là phản ứng của một số người giàu nhất nước Mỹ với các cuộc biểu tình.
Cuối tuần trước, Robert F. Smith đã có một bài viết về kinh nghiệm của chính mình với nạn bạo lực vì khác biệt chủng tộc.
Trích dẫn lời của Tiến sĩ Martin Luther King Jr. trong một email cuối tuần gửi cho các nhân viên của mình, Smith đã kể lại cách gia đình ông đối phó với vụ một nhân viên da trắng ở trạm xăng giết chú của mình gần 50 năm trước và kêu gọi "tình yêu và sự hiểu biết".
"Đây là một tuần đau lòng và buồn phiền đối với nước Mỹ và là một lời nhắc nhở rằng trong hành trình theo đuổi bất tận của chúng ta về một ‘liên minh hoàn hảo hơn’, vẫn còn rất nhiều việc phải làm", Smith viết.
Smith, CEO của Vista Equity Partners, từ lâu đã là người ủng hộ ra mặt cho sự bình đẳng chủng tộc, tài trợ cho Dự án 1619 của New York Times và là cá nhân đóng góp lớn thứ hai cho Bảo tàng quốc gia về lịch sử và văn hóa của người Mỹ gốc Phi thông qua quỹ Fund II Foundation của mình vào năm 2016. Smith đã tạo dựng được khối tài sản trị giá 5 tỷ USD sau khi thành lập công ty cổ phần tư nhân tập trung vào phần mềm Vista Equity Partners vào năm 2000, Business Insider đưa tin.
CEO của Snap, Evan Spiegel đã gửi thư cho nhân viên vào hôm Chủ nhật, kêu gọi thành lập một ủy ban phi đảng phái về bồi thường và đánh thuế cao hơn đối với giới siêu giàu để giải quyết khoảng cách giàu nghèo giữa các chủng tộc.
"Mỗi phút chúng ta im lặng khi đối mặt với tội ác và hành động sai trái là chúng ta đang ủng hộ cho những kẻ bất lương. Tôi rất đau lòng và tức giận với cách đối xử dành cho người da đen và da màu ở Mỹ", Spiegel viết trong thư.
Spiegel cũng cam kết góp một phần tài sản trị giá 4,1 tỷ USD của mình cho các tổ chức chống phân biệt chủng tộc nhưng cho biết hoạt động từ thiện sẽ không "làm được gì nhiều" trong vấn đề này nếu không có sự thay đổi chính sách.
"Hoạt động từ thiện tư nhân có thể vá các lỗ hổng, hoặc đẩy nhanh sự tiến bộ, nhưng một mình nó không thể vượt qua được vết nứt sâu và rộng của sự bất công. Chúng ta phải cùng nhau vượt qua kẽ nứt đó với tư cách là một quốc gia thống nhất. Thống nhất trong nỗ lực vì tự do, bình đẳng và công lý cho tất cả mọi người", Spiegel viết.
Hôm Chủ nhật, Melinda Gates viết trên Twitter rằng bà không chắc làm thế nào để sử dụng tài sản của mình để chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống.
"Tôi không có tất cả các câu trả lời về cách có thể sử dụng tiếng nói và lòng từ thiện của mình để trở thành một phần của giải pháp. Tôi sẽ tiếp tục tăng cường sự hiểu biết của mình và sát cánh với mọi người và các tổ chức để hướng tới một tương lai tập trung vào sự công bằng giới tính và chủng tộc", bà viết.
Gates và chồng mình là Bill Gates, người đồng sáng lập ra tập đoàn Microsoft, đã cam kết tặng phần lớn tài sản trị giá 102 tỷ USD của họ thông qua "Cam kết cho đi". Cặp đôi này hiện dành toàn thời gian làm từ thiện, với vai trò là đồng chủ tịch của Quỹ Bill và Melinda Gates.
Hôm thứ Hai, Mark Zuckerberg đã viết rằng "Facebook cần phải làm nhiều hơn để hỗ trợ sự bình đẳng và an toàn cho cộng đồng da đen thông qua các nền tảng của chúng tôi" và cam kết tặng 10 triệu USD. Tuy nhiên, Zuckerberg đang phải đối mặt với những chỉ trích từ các nhân viên về quyết định không kiểm duyệt các bài đăng có nội dung đe dọa sử dụng bạo lực chống lại người biểu tình của Tổng thống Donald Trump.
Trong bài đăng trên Facebook của mình, Zuckerberg đã lên án lịch sử bất bình đẳng chủng tộc của Mỹ và phác thảo công việc của tổ chức của mình - Sáng kiến Chan Zuckerberg - về vấn đề này.
Mặc dù cam kết ủng hộ bình đẳng chủng tộc, nhưng Zuckerberg từ chối xóa bài đăng của Tổng thống Trump có nội dung dọa "nổ súng" vào những kẻ hôi của, dẫn đến sự phẫn nộ từ người dùng Facebook, nhân viên công ty cũng như các nhà lãnh đạo dân quyền.
Hôm thứ Hai, Elon Musk cũng đã lên tiếng chống lại vụ cảnh sát gây ra cái chết của Floyd, bằng dòng tweet "#JusticeForGeorge" (công lý cho George)
Dưới đoạn video anh trai của Floyd nói chuyện với người biểu tình, Musk viết, "Những viên cảnh sát chỉ đứng nhìn trong khi người khác làm sai cảm nhận được thông điệp gì từ điều này?"
George Soros đã bác bỏ các thuyết âm mưu sai trái rằng ông là người dàn dựng các cuộc biểu tình và Floyd vẫn còn sống.
Trong một tuyên bố với tờ Thời báo New York, người phát ngôn của Soros nói: "Chúng tôi phản đối quan niệm sai trái rằng những người xuống đường để bày tỏ nỗi thống khổ của họ được George Soros hoặc ai đó khác trả tiền".
Trước đây, những người theo thuyết âm mưu còn cáo buộc cả chuyện Soros hợp tác với Đức quốc xã trong vụ tàn sát người Do Thái và cố gắng khởi xướng một cuộc nội chiến ở Mỹ, Business Insider đưa tin.
CEO Amazon, Jeff Bezos, đã chia sẻ một bài viết của nhà văn Shenequa Golding về việc cố gắng không để chuyện gì ảnh hưởng đến công việc sau khi chứng kiến đàn ông và phụ nữ da đen bị giết.
"Nỗi đau và tổn thương cảm xúc do phân biệt chủng tộc và bạo lực gây ra đối với cộng đồng da đen mà chúng ta đang chứng kiến có một sự ảnh hưởng lớn", Bezos viết.