Các quốc gia từng ra sức phản đối sử dụng, vì sao loại nhiên liệu bẩn nhất thế giới vẫn 'sống khỏe'?

Khánh Vy |

Với nguồn cung dồi dào và nhu cầu cao, sẽ phải mất một thời gian dài các quốc gia mới có thể 'khai tử' loại nhiên liệu bẩn nhất thế giới này.

Các quốc gia từng ra sức phản đối sử dụng, vì sao loại nhiên liệu bẩn nhất thế giới vẫn sống khỏe? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ngành than tiếp tục bùng nổ

Vào tháng 11/2021, tại một hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc ở Glasgow, Scotland, các nhà lãnh đạo thế giới đã tuyên bố một cách đầy tham vọng rằng họ đang dần đẩy than đá vào đống tro tàn của lịch sử. Các chính phủ hứa sẽ ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than, và các nhà tài chính cam kết ngừng tài trợ cho các mỏ than.

Tuy nhiên, 18 tháng trôi qua, một trong những nhiên liệu gây nhiều khí thải nhà kính nhất thế giới vẫn đang hoạt động. Mức tiêu thụ than toàn cầu tăng lên mức kỷ lục trong năm 2022. Trong đó, mức tiêu thụ tại Ấn Độ tăng 10%, còn châu Âu tăng 5%, do các cơ sở sản xuất điện dùng than thay cho khí đốt, và lấp đầy khoảng trống nguồn cung do hoạt động sản xuất điện hạt nhân, thủy điện suy giảm.

Các quốc gia từng ra sức phản đối sử dụng, vì sao loại nhiên liệu bẩn nhất thế giới vẫn sống khỏe? - Ảnh 2.

Mức tiêu thụ than trên toàn thế giới

Nhu cầu cao cũng kéo theo sản lượng khai thác than toàn cầu đạt mức cao nhất mọi thời đại trong năm 2022. Trung Quốc tăng sản lượng 11% so với năm 2021, trong khi sản lượng ở Ấn Độ tăng 16%. Tại Mỹ, sản lượng than tăng 3% trong năm 2022, mặc dù tiêu thụ nội địa giảm và hạn chế trong hoạt động vận tải hậu cần.

Tại Indonesia, sản lượng than đã tăng 4% so với mục tiêu hàng năm. Các dự án nhà máy điện than mới, với tổng công suất khoảng 40 gigawatt cũng đã được phê duyệt trong năm ngoái – mức cao nhất kể từ năm 2016. Hầu hết trong số này nằm tại Trung Quốc.

Nguồn cung dư thừa, giá giảm sâu

Giới chuyên gia tại công ty S&P Global Commodity Insights cho biết nguồn cung than đang dư thừa trên toàn cầu trong khi nhu cầu yếu đã đẩy các thương nhân tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường tiêu thụ than lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ phụ thuộc nhiều vào sản lượng nội địa để đáp ứng nhu cầu, tình trạng dư cung tại Châu Âu và nhu cầu mùa đông thấp hơn dự báo đã khiến lúc địa này gần như ngừng nhập khẩu than trong quý I.

Các quốc gia từng ra sức phản đối sử dụng, vì sao loại nhiên liệu bẩn nhất thế giới vẫn sống khỏe? - Ảnh 3.

Diễn biến giá than nhiệt từ đầu năm (Ảnh: S&P Global Commodity Insights)

Kết quả, các công ty xuất khẩu than đẩy mạnh bán hàng sang thị trường châu Á, tạo thêm nguồn cung trong khu vực vốn đã đầy than từ Indonesia, Australia, Nga và Nam Phi.

“Trung Quốc đang trong giai đoạn phục hồi kinh tế và nhiệt điện trở thành điều tất yếu. Than vẫn là nguồn năng lượng chính ở Trung Quốc và điều này thu hút các quốc gia xuất khẩu than trên thế giới” một thương nhân ở Singapore chuyên giao dịch với thị trường Trung Quốc cho biết.

“Nhu cầu điện đang tăng dần, nhanh hơn tốc độ chuyển đổi từ điện than sang năng lượng xanh khác. Điều này dẫn đến việc tiêu thụ than tiếp tục cao ở Trung Quốc, do đó nước này cần phải nhập khẩu để cân bằng giá than trong nước”, vị này cho biết.

Giá than bị ảnh hưởng trong bối cảnh nguồn cung dư thừa. Giá than nhiệt đã giảm xuống mức chưa từng thấy trong năm nay do nhu cầu yếu.

Than Indonesia hàm lượng năng lượng 4.200 kilocalories mỗi kg (kcal/kg) đã giảm xuống còn 52,40 USD/tấn trong tuần kết thúc vào 16/6, theo dữ liệu của cơ quan báo cáo giá hàng hóa Argus. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021.

Than Úc hàm lượng năng lượng 5.500 kcal/kg, cũng là một loại than được Trung Quốc và Ấn Độ mua và tiêu thụ mạnh, đã giảm xuống còn 84,17 USD/tấn vào tuần trước, giảm 70% so với mức cao kỷ lục 280,20 USD vào tháng 3 năm ngoái, hiện ở mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021.

Sự mất cân bằng trong đầu tư năng lượng giữa các nền kinh tế

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), những lo ngại về an ninh năng lượng trong thời gian qua đang khiến hoạt động đầu tư cho năng lượng sạch tăng mạnh, vượt xa chi tiêu cho nhiên liệu hóa thạch. Khoảng 2.800 tỉ USD sẽ được đầu tư vào năng lượng trên toàn cầu vào năm 2023, trong đó hơn 1.700 tỉ dự kiến sẽ dành cho các công nghệ sạch. Hơn 1.000 tỉ còn lại sẽ dành cho các nhiên liệu hóa thạch bao gồm than đá, khí đốt và dầu mỏ.

Tuy nhiên, ngay cả như vậy, các khoản đầu tư vào than đá chắc chắn vẫn sẽ tăng khoảng 10% trong năm 2023, gần gấp 6 lần so với mức cần thiết để có thể giúp thế giới chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, và đạt được các mục tiêu cắt giảm khí thải chống biến đổi khí hậu.

Các quốc gia từng ra sức phản đối sử dụng, vì sao loại nhiên liệu bẩn nhất thế giới vẫn sống khỏe? - Ảnh 4.

Ước tính khoản đầu tư vào ngành than

Đáng chú ý, 90% mức tăng đầu tư năng lượng sạch đến từ các nền kinh tế tiên tiến và Trung Quốc, trong khi các quốc gia kém phát triển hơn vẫn đang có xu hướng gắn chặt với các loại nhiên liệu hóa thạch như than đá.

Bà Vibhuti Garg, Giám đốc Nam Á của Viện Kinh tế năng lượng và Phân tích tài chính cho biết, trọng tâm của các nước giàu vẫn là đầu tư vào nền kinh tế của chính họ chứ không phải cung cấp vốn cho các quốc gia nghèo hơn. Kể từ năm 2009, các quốc gia giàu có đã hứa chi 100 tỉ USD viện trợ khí hậu cho các quốc gia nghèo, phần lớn nhằm giúp họ loại bỏ nhiên liệu hóa thạch như than đá và xây dựng hệ thống năng lượng sạch.

Tuy nhiên, cho đến nay, những cam kết tài chính này vẫn chưa được thực hiện. Bà Garg nói rằng điều này đồng nghĩa với việc các nước đang phát triển sẽ tiếp tục phụ thuộc vào than. “Làm thế nào bạn có thể mong đợi những nước đang phát triển chuyển đổi hoàn toàn sang nguồn năng lượng sạch khi họ không có đủ nguồn tài chính?”.

Tham khảo: S&P Global, The Economist

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại