Các máy bơm dầu tại giếng dầu Imilorskoye ở Kogalym, vùng Siberi, Nga. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Dẫn các nguồn thạo tin, Bloomberg cho biết Estonia, Litva và Ba Lan đang muốn giảm giá trần dầu Nga xuống 51,45 USD/thùng. Theo tính toán của các quốc gia này, biện pháp trên sẽ khiến giá dầu của Nga thấp hơn 5% so với giá thị trường và khiến doanh thu của nước này giảm 650 triệu USD mỗi tháng.
Đài phát thanh RMF FM của Ba Lan cũng đưa tin về chiến dịch hạ trần giá dầu Nga của một số quốc gia EU. Theo các nguồn tin của đài, các nhà ngoại giao Ba Lan cho rằng mức trần hiện tại 60 USD/thùng là quá “hào phóng” đối với Moskva.
Ngày 16/3, các đại diện của EU dự kiến bắt đầu thảo luận về việc xem xét mức giá trần này vì muốn thay đổi cần có sự nhất trí từ các quốc gia thành viên. Theo RMF FM, đề xuất trên “có khả năng lớn” sẽ được thông qua.
Tháng 12/2022, EU, Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và Australia đã bắt đầu áp giá trần đối với dầu thô Nga nhập khẩu bằng đường biển ở mức 60 USD/thùng. Sau đó, các nước này tiếp tục đưa ra những biện pháp trừng phạt mới, cấm gần như toàn bộ hoạt động nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga, đồng thời áp đặt giá trần đối với dầu diesel và các sản phẩm dầu mỏ khác của Moskva. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 5/2.
Các biện pháp trừng phạt này nhằm nhằm đảm bảo rằng dầu của Nga tiếp tục lưu thông, giữ cho thị trường toàn cầu ổn định, đồng thời hạn chế nguồn thu của Moskva từ hoạt động xuất khẩu dầu để dùng cho chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Đáp lại, Nga đã cấm mọi giao dịch dầu mỏ với các khách hàng theo cơ chế giá trần của phương Tây. Vào tháng 2, nước này đã công bố kế hoạch tự nguyện giảm sản lượng dầu trong tháng 3 xuống 500.000 thùng/ngày, do Moskva tạm ngừng bán dầu cho những khách hàng tuân thủ giá trần do phương Tây áp đặt.