Các quốc gia châu Âu cam kết cung cấp thêm vũ khí gì cho Ukraine?

Nho Biền |

Một nhóm 11 quốc gia châu Âu ngày 19/1 đã cam kết cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga, đồng thời cho biết họ sẽ gửi xe tăng chiến đấu chủ lực, pháo hạng nặng, phòng không, đạn dược và xe chiến đấu bộ binh.

Tuyên bố được các quốc gia đưa ra theo định dạng cam kết Tallinn được ký tại Estonia. Theo cam kết này, 11 quốc gia gồm Estonia, Anh, Ba Lan, Latvia, Litva, Đan Mạch, Séc, Đức, Hà Lan, Slovakia và Tây Ban Nha sẽ tiếp tục đưa ra gói viện trợ mới với nhiều vũ khí hạng nặng.

Các quốc gia châu Âu cam kết cung cấp thêm vũ khí gì cho Ukraine? - Ảnh 1.

Đại diện các nước tham dự cuộc họp báo sau cuộc họp về viện trợ quân sự Ucraina tại trại quân sự Tapa, Estonia, ngày 19/1/2023. Ảnh: Reuters

Đan Mạch sẽ tiếp tục huấn luyện các lực lượng Ukraine nhưng không giới hạn ở Chiến dịch INTERFLEX do Vương quốc Anh dẫn đầu. Bên cạnh đó, Đan Mạch sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đồng minh quyên góp vũ khí và hỗ trợ quân sự phù hợp với nhu cầu của Ukraine. Trước đó Đan Mạch đã tài trợ trực tiếp hoặc gián tiếp trị giá gần 600 triệu euro cho Ukraine.

Gói viện trợ của Estonia bao gồm hàng chục khẩu pháo 155 mm FH-70 và 122 mm D-30, hàng nghìn viên đạn pháo 155 mm, phương tiện hỗ trợ cho các đơn vị pháo binh, hàng trăm súng phóng lựu chống tăng Carl-Gustaf M2 cùng đạn dược. Estonia sẽ tiếp tục cung cấp đào tạo cơ bản và chuyên môn cho hàng trăm thành viên Lực lượng Vũ trang Ucraina vào năm 2023.

Latvia cũng đang chuẩn bị gói tài trợ mới với hàng chục hệ thống phòng không vác vai Stinger và các thiết bị phòng không bổ sung, hai máy bay trực thăng M-17, hàng chục súng máy với đạn dược, vài chục UAV và phụ tùng thay thế cho lựu pháo M109. Năm 2023, Latvia đang lên kế hoạch huấn luyện khoảng 2.000 binh sĩ Ukraine từ huấn luyện bộ binh cơ bản đến các khóa chuyên ngành.

Gói viện trợ mới của Litva bao gồm hàng chục khẩu pháo phòng không L-70, hàng chục nghìn đạn pháo và 2 trực thăng Mi-8, với tổng giá trị thay thế là 85 triệu euro. Năm nay, Litva sẽ đầu tư 40 triệu euro để mua sắm hỗ trợ quân đội Ukraine. Điều này sẽ bao gồm thiết bị chống máy bay không người lái, thiết bị quang học, thiết bị quan sát nhiệt và máy bay không người lái. Ngoài ra, 2 triệu euro sẽ được chuyển đến Quỹ Quốc tế Vương quốc Anh để tài trợ cho các dự án mua sắm vũ khí hạng nặng như hệ thống pháo và đạn dược, bệ hỏa lực trực tiếp hoặc xe chiến đấu bọc thép. Tổng giá trị gói chuyển nhượng sắp tới của Litva là 125 triệu euro.

Gói mới của Ba Lan bao gồm súng phòng không S-60 với 70.000 viên đạn. Ba Lan đã tặng 42 xe chiến đấu bộ binh cùng với gói huấn luyện cho hai tiểu đoàn cơ giới. Ba Lan tiếp tục cung cấp lựu pháo 155 mm KRAB và đang cung cấp cho Ucraina nhiều loại đạn dược. Ngoài ra, Ba Lan sẵn sàng tặng đại đội xe tăng Leopard.

Đối với Slovakia, ngoài các thiết bị hạng nặng được tài trợ, nước này sẽ tiếp tục thảo luận chuyên sâu với các đồng minh để mở khóa các khoản tài trợ thiết bị khác, hiện tập trung vào xe tăng chiến đấu chủ lực, xe chiến đấu bộ binh và hệ thống phòng không. Nó cũng bao gồm việc tăng cường sản xuất lựu pháo, thiết bị rà phá bom mìn và đạn dược.

Trong khi đó, Cộng hòa Séc cho biết họ đang làm việc với ngành công nghiệp quốc phòng của mình để tăng năng lực sản xuất nhằm cung cấp nhiều hỗ trợ hơn, đặc biệt là sản xuất đạn dược cỡ nòng lớn, lựu pháo và xe bọc thép chở quân (APC). Một nội dung hỗ trợ quan trọng khác sẽ là bảo trì các thiết bị đã được giao cho Ucraina.

Gói tăng cường của Anh bao gồm một phi đội xe tăng Challenger 2 với các phương tiện phục hồi và sửa chữa bọc thép, pháo 155mm tự hành AS90, hàng trăm phương tiện bọc thép và bảo vệ khác, gói hỗ trợ cơ động bao gồm khả năng vượt qua bãi mìn và bắc cầu, hàng chục hệ thống máy bay không người lái khác để hỗ trợ pháo binh Ukraine và 100.000 viên đạn pháo khác. Nó cũng bao gồm hàng trăm tên lửa tinh vi hơn bao gồm tên lửa GMLRS, tên lửa phòng không Starstreak và tên lửa phòng không tầm trung, 600 quả đạn chống tăng Brimstone và gói phụ tùng hỗ trợ thiết bị để tân trang lại hàng trăm xe tăng và xe chiến đấu bộ binh của Ukraine. Gói này được tăng cường hơn nữa bằng cách tiếp tục đào tạo cơ bản và đào tạo lãnh đạo cấp cơ sở ở Anh với 9 đối tác quốc tế.

Mặc dù đã đạt được thống nhất về việc tiếp tục viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ucraina, tuy nhiên các đồng minh phương Tây vẫn đang gặp khó khăn trong việc cung cấp xe tăng Leopard cho Ukraine do chưa có sự đồng ý của Đức. Tuy nhiên, các bên hy vọng vấn đề này có thể sẽ được giải quyết sau cuộc họp giữa Đức và các đồng minh tại Ramstein, căn cứ không quân chính ở châu Âu của Mỹ vào ngày 20/1./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại