Các nước vùng Vịnh tiếp tục đe dọa Qatar

Thái Lai |

Khủng hoảng vùng Vịnh tiếp tục leo thang bất chấp các nỗ lực xoa dịu căng thẳng của Mỹ và Kuwait.

Theo tờ Al Jazeera, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã đe dọa cấm vận kinh tế đối với Qatar. Trong khi đó, Bahrain cho biết “mọi lựa chọn”, nghĩa là không loại trừ cả khả năng quân sự, đang được tính đến khi khủng hoảng ở vùng Vịnh không có dấu hiệu lắng xuống cho đến ngày 8-6.

Những tuyên bố cứng rắn của các thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đưa ra hôm 7-6 bất chấp Tổng thống Mỹ Donald Trump và quốc vương Sabah Al Ahmad Al Sabah của Kuwait nỗ lực kiềm chế căng thẳng.

Khủng hoảng bắt đầu hôm 5-7 khi Saudi Arabia, UAE và Bahrain thông báo cắt quan hệ ngoại giao với Qatar. Tiếp đó lần lượt một số nước khác trong khu vực cũng đưa ra thông báo tương tự viện dẫn Qatar tài trợ khủng bố.

Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash nói với Reuters rằng sẽ có thêm các lệnh cấm về kinh tế áp vào Qatar nếu xét thấy cần thiết. Ông Gargash còn nói rằng Doha cần đưa ra những cam kết cứng rắn để thay đổi những gì giới phê bình chỉ ra là chính sách tài trợ các nhóm khủng bố mặc dù Qatar nhiều lần phủ nhận. Ông Gargash sau đó nói với đài France 24 rằng bất cứ bước đi tiếp theo nào cũng sẽ quy về cấm vận Qatar.

Các nước vùng Vịnh tiếp tục đe dọa Qatar - Ảnh 1.

Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash. Ảnh: REUTERS

Nhà lãnh đạo Kuwait, Quốc vương Sabah Al Ahmad Al Sabah ngày 7-6 đã từ UAE tới Qatar sau khi tới Saudi Arabia vào ngày trước đó để giải quyết khủng hoảng.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Bahrain Khalid bin Ahmed Al Khalifa đã cứng rắn nói với tạp chí Mecca (Saudi Arabia) rằng ông nghi ngại việc liệu Doha có chịu thay đổi cách hành xử của nước này hay không. “Chúng tôi sẽ không chần chừ trong việc bảo vệ lợi ích của chúng tôi và để mở mọi lựa chọn để bảo vệ đất nước trước Qatar” - hoàng thân Khalid nói.

Ngoại trưởng UAE Gargash cho rằng các biện pháp đưa ra đối phó với Qatar trong tuần này không nhằm mục đích tìm kiếm giới lãnh đạo mới ở Doha. “Đây không phải là sự thay đổi chính phủ mà là thay đổi chính sách, thay đổi cách tiếp cận” - ông Gargash nói với AFP ở Dubai.

Trong khi đó, về phía Tổng thống Mỹ Donald Trump, sau khi rõ ràng bày tỏ ủng hộ các động thái của các nước Trung Đông đối với Qatar trên Twitter hôm 6-6 thì một ngày sau, tức 7-6, ông Trump lại điện đàm với quốc vương Tamin bin Hamad Al Thani của Qatar và sau đó là thái tử Mohamed bin Zayed Al Nahyan của UAE để xoa dịu tình hình.

Nhà lãnh đạo Mỹ thậm chí còn đề xuất một cuộc họp ở Nhà Trắng với sự tham dự của các quan chức vùng Vịnh để giải quyết khủng hoảng. “Đầu tiên và quan trọng nhất, các nhà lãnh đạo đã nhất trí tầm quan trọng của việc thực thi thỏa thuận đạt được ở Riyadh về chống chủ nghĩa cực đoan và đấu tranh chống ủng hộ các tổ chức khủng bố” - một thông cáo về cuộc nói chuyện giữa ông Trump và thái tử Nahyan phát đi từ Nhà Trắng cho biết.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir cho hay các quốc gia vùng Vịnh có thể tự giải quyết khủng hoảng với Qatar mà không cần sự giúp đỡ bên ngoài. “Chúng tôi không yêu cầu người nào đó làm vai trò hòa giải, chúng tôi tin vấn đề này có thể giải quyết bên trong nội bộ các thành viên của GCC" - ông Al-Jubeir nhấn mạnh trong cuộc họp báo ở Berlin, Đức.

Ông Al-Jubeir từ chối xác nhận một danh sách gồm 10 yêu cầu do kênh Al Jazeera công bố, trong đó có yêu cầu đóng cửa kênh Al Jazeera trụ sở ở Doha nhưng thêm rằng Qatar biết rằng nước này cần nỗ lực khôi phục các mối quan hệ bình thường.

Bộ Quốc phòng Qatar đã giảm nhẹ các báo cáo rằng lực lượng quân đội nước này đang đặt báo động cao ở biên giới phía Nam đất nước giáp Saudi Arabia. “Bộ Quốc phòng luôn báo động để bảo vệ các biên giới của đất nước Qatar từ phương pháp tiếp cận 360 độ - đất liền, biển và trên không, 24 giờ mỗi ngày” - thông cáo của Bộ cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại