Các nước vùng Balkan đối mặt với cuộc khủng hoảng rác thải

Thanh Hương |

Nằm giữa những ngọn đồi phủ cỏ xanh san sát bên các nông trại, hồ chứa nước Potpecko tại Serbia từng được xem là điểm câu cá nổi tiếng, thu hút nhiều người đến thưởng ngoạn.

Rác thải trên sông Drina gần Visegrad, Bosnia, ngày 5/1/2021. Ảnh: AP

Rác thải trên sông Drina gần Visegrad, Bosnia, ngày 5/1/2021. Ảnh: AP

Đáng tiếc, chẳng mấy ai muốn đến gần địa điểm này bởi mùi hôi thối bốc lên từ bãi rác khổng lồ, chất đống chai lọ nhựa, mảnh xốp, nổi trên mặt nước. Ước tính dưới hồ Potpecko có tới 8.000 m3 rác thải. Đây là một trong số những bãi rác khổng lồ xuất hiện tại Balkan, nơi đang đối mặt với cuộc khủng hoảng rác thải.

Khu vực Tây Balkan gồm Albania, Bosnia và Herzegovina, Bắc Macedonia, Montenegro, Serbia và vùng lãnh thổ Kosovo là nơi tập trung của một số con sông và phong cảnh thiên nhiên hoang sơ nhất châu Âu. Tuy nhiên môi trường và sức khỏe cộng đồng nơi đây đang bị đe dọa do những yếu kém trong hệ thống xử lý rác thải.

Ngân sách hạn chế, cơ sở hạ tầng lạc hậu và việc cơ quan liên quan và người dân không hành động kịp thời là những nguyên nhân khiến việc xử lý rác thải tại Tây Balkan không hiệu quả. Việc tái chế chưa phổ biến tại hầu hết các nước khu vực Tây Balkan trong khi các bãi rác "đổ trộm" mọc lên ngày càng nhiều ven các con đường nông thôn và ngoại ô các thị trấn, thành phố.

Đợt mưa lớn trong tháng 1 đã phản ánh rõ thực trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực Tây Balkan. Rác ven đường và từ các bãi rác bất hợp pháp bị nước ngập cuốn trôi ra sông, tích tụ nhiều tại các đập thủy điện, chẳng hạn như ở Potpecko và một con đập ở sông Drina tuyệt đẹp, phía Đông Bosnia và Herzegovina.

Việc dọn rác đã trở thành hoạt động thường xuyên của các công ty điều hành đập nước, nhưng nỗ lực này như "muối bỏ biển" bởi lượng rác đổ về quá lớn và quan trọng hơn nguyên nhân gốc rễ chưa được giải quyết. Ông Tomislav Popovic, nhân viên nhà máy điện trên sông Drina, cho biết nhà máy không thể giải quyết tận gốc vấn đề này bởi đây là vấn đề ý thức và trách nhiệm của người dân và cơ quan liên quan. Ông cho hay thậm chí ông còn thấy nhiều xe ủi đất đẩy rác xuống sông và lượng rác mỗi năm nhà máy này thu được lên tới 8.000m3.

Còn tại Bắc Macedonia, nơi có quang cảnh núi non tuyệt đẹp, du khách cảm thấy khó chịu khi bắt gặp rác trên cành cây hoặc đống rác thải bên đường, từ ghế sofa bỏ đi đến máy giặt hay vật liệu xây dựng. Các bãi rác bất hợp pháp còn vây quanh thủ đô Skopje. Ở khu vực Vardarishte ở phía Đông thành phố có một bãi rác hợp pháp rộng 170.000m2 đã ngừng hoạt động cách đây 26 năm, nhưng rác vẫn tiếp tục được đổ về đây.

Tình hình cũng tồi tệ tương tự ở vùng lãnh thổ Kosovo, nơi chỉ có 50% trong số 1,8 triệu dân cư có cơ hội sử dụng các dịch vụ thu gom rác thải. Một báo cáo gần đây của chính quyền vùng này cho thấy số lượng bãi rác bất hợp pháp tăng 60% từ năm 2017 đến năm 2019.

Tại Serbia, quốc gia có nguyện vọng gia nhập Liên minh châu Âu, hoạt động thu gom rác diễn ra thường xuyên hơn, song việc phân loại rác thải còn hạn chế, làm gia tăng nguy cơ tại những bãi chôn lấp. Ông Igor Jezdimirovic, người đứng đầu tổ chức Kỹ sư bảo vệ môi trường, một tổ chức phi chính phủ ở Serbia, cho biết tại các bãi rác khắp cả nước, kim loại nặng và các chất gây nhiễm khác được thải trực tiếp ra môi trường, không khí và ngấm xuống đất, đe dọa đến sức khỏe người dân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại