Có một số ý kiến cho rằng các chính phủ đã lãng phí cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-09 khi không thể tận dụng cơ hội đó để suy nghĩ lại về chính sách điều hành kinh tế sau khi cuộc khủng hoảng lắng xuống.
Nhưng có lẽ sẽ không ai nói như vậy về đại dịch Covid-19. Sự kiện bất ngờ này khiến các chính phủ đồng loạt vội vã kích hoạt một loạt chính sách mà chỉ vài tháng trước đó được xem là không thể xảy ra, thậm chí kỳ dị. Kết quả là, lịch sử kinh tế vĩ mô đang trải qua một sự thay đổi mang tính căn bản vài chục năm mới có một lần.
Giống như những năm 1970, khi những người theo chủ nghĩa Keynes chấp nhận học thuyết trọng tiền của Milton Friedman hay những năm 1990, khi các NHTW được trao quyền độc lập, Covid-19 vừa mở ra 1 kỷ nguyên mới.
Mối bận tâm quá lớn được dồn vào đại dịch sẽ làm bộc lộ rõ những cơ hội, đồng thời giúp khống chế những rủi ro khổng lồ xuất phát từ các động thái can thiệp thô bạo vào nền kinh tế cũng như thị trường tài chính của các chính phủ.
Có 4 đặc điểm định hình kỷ nguyên mới. Đầu tiên là mức vay nợ khủng khiếp của các chính phủ. IMF dự đoán năm nay các nước giàu sẽ phải đi vay số tiền tương đương 17% tổng GDP của họ để tài trợ cho các gói kích thích có tổng giá trị 4.200 tỷ USD.
Chúng được thiết kế thành các chính sách giảm thuế và tăng chi tiêu công nhằm giúp nền kinh tế không đổ vỡ. Và con số vẫn chưa dừng lại ở đó.
Đặc điểm thứ hai là các NHTW đang miệt mài in tiền. Fed, BoE, ECB và BoJ đã tăng cung tiền thêm khoảng 3,700 tỷ USD kể từ đầu năm đến nay.
Phần lớn trong số này được sử dụng để mua trái phiếu chính phủ, có nghĩa là các NHTW đang ngầm tài trợ cho các gói kích thích, Kết quả là lãi suất dài hạn vẫn giữ ở mức thấp bất chấp lượng nợ công tăng mạnh.
Thứ ba, chính phủ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong việc phân bổ vốn. Để tránh tình trạng khan hiếm tín dụng, Fed cùng với Bộ Tài chính Mỹ đã cùng nhau "ra trận", mua vào lượng lớn trái phiếu của những tập đoàn như AT&T, Apple và thậm chí là Coca-Cola, và sau đó cho tất cả mọi người vay trực tiếp.
Hai cơ quan này đang sở hữu 11% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp ở Mỹ. Ở các nước khác tình trạng cũng tương tự.
Đặc điểm cuối cùng nhưng cũng quan trọng nhất: lạm phát thấp. Thiếu đi áp lực tăng giá đồng nghĩa không cần phải ngay lập tức ngăn chặn bảng cân đối kế toán của các NHTW phình to hoặc tăng lãi suất ngắn hạn.
Do đó lạm phát ì ạch là nguyên nhân hàng đầu khiến người ta không cần phải lo lắng về nợ công – thứ mà nhờ vào chính sách tiền tệ linh hoạt đã gần như trở thành tiền miễn phí.
Sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng bằng cách thần kỳ nào đó vai trò của chính phủ sẽ quay trở lại như bình thường sau khi đại dịch qua đi và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống. Đúng là các chính phủ và NHTW có thể giảm chi tiêu công cũng như quy mô các gói giải cứu.
Nhưng kỷ nguyên mới của chính sách kinh tế vĩ mô cũng phản ánh những xu hướng dài hạn. Ngay cả trước đại dịch, lạm phát và lãi suất cũng đã không thể tăng lên bất chấp thị trường lao động bùng nổ.
Hiện nay thị trường trái phiếu vẫn chưa xuất hiện dấu hiệu nào đang lo ngại về lạm phát trong dài hạn. Nếu đúng như vậy, thâm hụt ngân sách và in tiền có thể trở thành những công cụ chính sách chuẩn mực trong mấy chục năm sắp tới.
Trong khi đó, hiện tượng các NHTW ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trên thị trường tài chính phản ánh tình trạng trì trệ của hệ thống ngân hàng và sự nổi lên của các ngân hàng trong bóng tối vốn ẩn chứa quá nhiều rủi ro.
Trước đây, khi các ngân hàng thương mại chiếm thế thượng phong, các NHTW sẽ hành động như người cho vay cuối cùng. Nhưng giờ đây các NHTW ngày càng tham dự nhiều hơn vào phố Wall và những nơi khác, trở thành "nhà tạo lập thị trường cuối cùng".
Việc chính phủ can thiệp sâu hơn và rộng hơn vào khắp nền kinh tế tạo ra một số cơ hội. Lãi suất thấp làm giảm chi phí đi vay khi chính phủ muốn xây dựng cơ sở hạ tầng mới, từ các phòng nghiên cứu đến nhà máy điện.
Điều này lại giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt như dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Khi dân số già hóa, tăng chi tiêu vào y tế và hưu trí là xu hướng không thể tránh khỏi.
Nếu thâm hụt ngân sách giúp cung cấp những liều thuốc kích thích cần thiết cho nền kinh tế thì đó cũng là cái giá phải trả xứng đáng.
Tuy nhiên kỷ nguyên mới cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. Nếu lạm phát bất ngờ tăng vọt, thế giới tài chính sẽ chao đảo vì các NHTW phải tăng lãi suất.
Một trong những lý thuyết chủ chốt của chủ nghĩa trọng tiền là nếu như chính sách kinh tế vĩ mô không được quản lý tốt sẽ dẫn đến những cơ hội vô biên để các chính trị gia tận dụng. Ví dụ, họ có thể quyết định công ty nào được miễn thuế.
Một số khoản vay dành cho khu vực tư nhân có thể trở thành nợ xấu nếu được phân bổ một cách cẩu thả, sau đó buộc chính phủ phải chọn doanh nghiệp nào sẽ phá sản. Khi tiền miễn phí, tại sao không giải cứu các công ty, bảo hộ những việc làm cũ kỹ và cứu lấy các nhà đầu tư?
Tuy nhiên, đó cũng chính là công thức tạo ra những thị trường méo mó, các thảm họa về đạo đức và tăng trưởng ì ạch.
Nỗi lo sợ các chính trị gia phạm sai lầm chính là lý do tại sao nhiều quốc gia quyết định trao quyền lực vào những NHTW độc lập – các tổ chức sẽ sử dụng công cụ đơn giản là lãi suất để quản lý các chu kỳ kinh tế.
Ngày nay, với lãi suất xuống đến mức gần 0, các NHTW lại trở nên giống như những người đầy tớ làm việc cho bộ phận quản lý nợ của chính phủ.
Mỗi kỷ nguyên kinh tế mới đều đặt ra những thách thức mới. Trong những năm 1930, nhiệm vụ là ngăn chặn suy thoái kinh tế. Đến những năm 1970 và đầu những năm 1980, mục tiêu hàng đầu là chấm dứt tình trạng giảm phát.
Ngày nay, nhiệm vụ của các nhà hoạch định chính sách là tạo ra khung pháp lý cho phép việc quản lý chu kỳ kinh doanh dễ dàng hơn và chúng ta có thể chiến đấu chống lại các cuộc khủng hoảng tài chính mà không để chính trị can thiệp quá sâu vào nền kinh tế.
Điều này đòi hỏi phải trao lại quyền điều hành chính sách tài khóa cho các nhà kỹ trị, hoặc cải cách hệ thống tài chính để cho phép các NHTW thoải mái hạ lãi suất xuống mức dưới 0, khai thác triệt để làn sóng chuyển dịch từ sử dụng các dịch vụ ngân hàng kiểu cũ sang fintech và các công nghệ thanh toán kỹ thuật số.
Nếu không hành xử hợp lý, chúng ta sẽ phạm sai lầm và những thất bại trong kỷ nguyên tiền miễn phí sẽ buộc thế giới phải trả những cái giá rất đắt.