Các nhà thiên văn học vừa phát hiện ra thứ mà họ nghĩ rằng là một hố đen mới, và nếu họ đúng, thì hố đen này không xa Trái đất cho lắm. Với khoảng cách 1.000 năm ánh sáng, hố đen cỡ nhỏ này có khả năng sẽ là người hàng xóm vũ trụ của chúng ta – một người hàng xóm gần gũi nhất mà hành tinh xanh từng phát hiện ra được.
Là một hố đen, vật thể này hiển nhiên không thể nhìn thấy trực tiếp thông qua các công cụ từ Trái đất được, bởi không một chút ánh sáng nào có thể thoát ra khỏi đó. Do đó, các nhà khoa học làm việc tại Đài quan sát phía Nam châu Âu (ESO) ở Chile trên thực tế đã suy luận ra rằng hố đen nằm tại nơi mà họ nghĩ dựa trên chuyển động của các ngôi sao gần đó.
Nhóm nghiên cứu đã tìm cách diễn giải tận gốc những biểu hiện kỳ lạ của hai ngôi sao nằm gần nhau trong không gian của một hệ thống mang tên HR 6819. Chúng đều ở trong cùng hệ thống và tương đồng về khối lượng lẫn kích cỡ, nhưng chúng hoạt động rất khác nhau. "Một trong số chúng xoay rất nhanh, đến mức gần như bay tách biệt nhau" – Thomas Rivinius, một nhà nghiên cứu của ESO, cho biết. Ngôi sao còn gần như không xoay. Trong khi đó, chúng đều di chuyển trong không gian ở các vận tốc khác nhau. Ngôi sao xoay nhanh di chuyển rất chậm so với ngôi sao xoay chậm nhưng di chuyển ở tốc độ khủng khiếp.
Trong nhiều năm trời, các nhà thiên văn học đã tò mò về hệ thống hai ngôi sao này, một số cho rằng phải có một vật thể thứ ba ở gần đó, khiến hai ngôi sao di chuyển khác lạ như vậy. Và sau nhiều năm dự đoán, Rivinius cùng nhóm của ông đã quyết định nghiên cứu thêm lần nữa với Đài quan sát La Silla của ESO ở Chile.
Họ đã theo dõi chuyển động của các ngôi sao và đo đạc về sự rung chuyển của chúng trong không gian. Họ nhận ra rằng các ngôi sao này dường như đang xoay quanh một thứ gì khác, một vật thể nặng gấp 4 lần so với Mặt trời của chúng ta. Nhưng thoạt nhìn, dường như chẳng có gì ở trung tâm của hệ thống kia cả. Có nghĩa là hoặc chúng đang di chuyển quanh một ngôi sao rất khó để thấy, hoặc một hố đen.
Minh họa hệ thống gồm 2 ngôi sao và một hố đen
Các nhà thiên văn học tìm thấy hố đen gần với Trái đất nhất từ trước đến nay
Để giảm bớt các khả năng, Rivinius và nhóm của ông đã tìm kiếm thông tin về ngôi sao mờ nhạt nhất, có thể tồn tại với khối lượng đó, nhưng cuối cùng không thấy dấu vết gì về một vật thể tối như vậy cả. "Chúng tôi có thể loại trừ mọi loại sao với khối lượng như vậy đang tồn tại" – Rivinius nói. "Do đó nếu có thứ gì đó với khối lượng như vậy trong hệ thống, nó hẳn là một hố đen".
Hệ thống này ở đủ gần Trái đất đến nỗi các ngôi sao gần hố đen có thể thấy được bằng mắt thường. Nhưng đừng lo: dù 1.000 năm ánh sáng là khá gần xét theo quan điểm thiên văn học, đó vẫn là một khoảng cách rất rất xa, và hố đen này không thể gây nguy hiểm cho Trái đất được.
Trên thực tế, hố đen trong hệ thống nói trên là khá nhỏ so với một vài hố đen khác đang tồn tại trong vũ trụ. Ví dụ, hố đen siêu lớn ở trung tâm Dải ngân hà của chúng ta được cho là có khối lượng gấp 4,6 triệu lần Mặt trời (và cách Trái đất đến 26.000 năm ánh sáng).
Tìm thấy một hố đen gần Trái đất đến vậy có nghĩa là sẽ có khả năng xuất hiện những hố đen nhỏ hơn nữa trong toàn vũ trụ - và thậm chí là trong ngân hà của chúng ta nữa. "Chúng tôi chỉ biết về vài chục hố đen, nhưng chúng tôi nghi ngờ rằng có đến 1 tỷ hố đen trong vũ trụ" – Rivinius nói. "Việc nó ở gần chúng ta đến vậy cho thấy nó không hiếm như tưởng tượng".
Tham khảo: TheVerge