Theo Korea Times, nỗ lực gần đây của LG Eletronics trong việc bán nhà máy điện thoại di động cho Tập đoàn Vingroup (Việt Nam) đã thất bại. Nguyên nhân đến từ đề nghị của Vingroup thấp hơn so với mức mong muốn của Tập đoàn Hàn Quốc. Mảng kinh doanh di động của LG Electronics đã lỗ 24 quý liên tiếp, số lỗ lũy kế đã lên tới 4,5 tỷ USD.
LG Electronics đã nỗ lực nhiều lần trong việc vực dậy hoạt động kinh doanh thua lỗ bằng các cơ cấu lại các dòng sản phẩm, tăng nhanh việc thuê ngoài và phát hành các dòng điện thoại thông minh kiểu dáng khác nhau, nhưng không thành công.
Một trong những phương án đáng chú ý là chuyển cơ sở sản xuất điện thoại thông minh sang Việt Nam. Việt Nam có giá nhân công trung bình thấp hơn nhiều so với Hàn Quốc, giúp LG có thể tiết giảm chi phí. Bên cạnh đó, Tập đoàn Hàn Quốc cũng muốn nhắm đến thị trường địa phương tiềm năng gần 100 triệu dân và mức sống ngày càng tăng cao.
Tập đoàn LG hiện sở hữu 3 nhà máy lớn tại Việt Nam, trong đó LG Electronics dẫn đầu về quy mô. Điện thoại di động chỉ là một cấu phần nhỏ trong những gì mà nhà máy LG Electronics sản xuất, họ còn cho ra lò các sản phẩm điện tử khác như TV, điều hòa, máy hút bụi, máy giặt, tủ lạnh…
Trong 9 tháng đầu năm 2020, LG Electronics Vietnam Haiphong ghi nhận doanh thu 4.124 tỷ Won, tức khoảng 3,71 tỷ USD.
Lợi nhuận ròng cho giai đoạn này 168 tỷ Won, tương đương 151 triệu USD. Quy ra VNĐ, giá trị lần lượt đạt hơn 85.400 tỷ đồng và gần 3.500 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2019, doanh thu của LG Electronics tăng 47%, lợi nhuận ròng tăng 30%.
Một nhà máy khác, LG Innotek Vietnam Haiphong đạt doanh thu 23.800 tỷ đồng, tăng 15%; lợi nhuận sau thuế 800 tỷ đồng. Innotek của LG chuyên sản xuất camera module cho smartphone.
Ngoài ra, LG Display Vietnam Haiphong sản xuất các sản phẩm màn hình thiết bị, nhưng số liệu kinh doanh cụ thể từng quý không được cập nhật.
Doanh thu của các nhà máy của Tập đoàn LG tại Việt Nam tăng trưởng tốt trong nhiều năm qua. Năm 2019, doanh thu của LG Electronics Việt Nam hơn 81.600 tỷ đồng; LG Innotek Việt Nam 29.600 tỷ đồng; và LG Display Việt Nam 25.100 tỷ đồng.
Trong khi nhà máy Electronics và Innotek tăng trưởng cả về lợi nhuận, nhà máy Display ghi nhận mức lỗ nặng hơn 5.000 tỷ đồng.
Nói về số lỗ của LG Display Hải Phòng, đây chính là tình cảnh chung của Tập đoàn Hàn Quốc trên toàn cầu. Công ty mẹ LG Display cũng có nhiều quý lỗ liên tiếp.
Thực tế, hiện nay các nhà sản xuất giàu truyền thống như LG cũng khó có thể cạnh tranh được với doanh nghiệp Trung Quốc trong việc sản xuất màn hình LCD. Những nỗ lực phát triển công nghệ màn hình OLED cũng nhanh chóng bị người Trung Quốc bắt kịp.
LG Dislay từng kỳ vọng vào việc cung cấp màn hình cho các sản phẩm của Apple, nhưng cuối cùng lại không thể đáp ứng được tiêu chuẩn về chất lượng.
Trong khi triển vọng màn hình OLED là không rõ ràng, cạnh tranh khốc liệt ở phân khúc LCD khiến LG Display không có lợi nhuận. LG dù vẫn dẫn đầu về thị phần màn hình LCD cỡ lớn, nhưng khoảng cách với đối thủ Trung Quốc đã bị thu hẹp đáng kể.
LG Display thống trị đối với phân khúc OLED, nhưng tỷ trọng loại màn hình này trên thế giới chỉ đang chiếm hơn 1%. Với giá thành ngày càng rẻ, màn hình LCD trở nên được ưa chuộng hơn, đây là thách thức không nhỏ với sản xuất tấm hình OLED.