Các nhà làm phim đã giấu camera trong những cảnh quay trực diện trước gương như thế nào?

DH |

Để camera lọt vào khung hình là 1 điều tối kỵ trong quá trình quay phim, và điều đó khiến cho những phân cảnh có gương hay bất kỳ đồ vật có tính chất phản chiếu nào trở nên khó khăn hơn, đòi hỏi nhiều kỹ thuật hơn để thực hiện một cách khéo léo và hoàn hảo nhất.

Kỹ thuật quay phim là một phần không thể thiếu trong thành công của những bom tấn điện ảnh, truyền hình đình đám. Không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt giải thưởng lớn như Oscars hay Emmy Awards lại đề ra rất nhiều hạng mục nhằm vinh danh các đạo diễn hình ảnh, tổ đội quay phim hay các chuyên gia kỹ xảo, hậu kỳ. 

Nếu như đạo diễn là người hình dung ra ý tưởng cho 1 phân cảnh, thì chính các cameraman sẽ là người hiện thực hóa ý tưởng đó một cách hoàn hảo nhất.

Tuy nhiên, trong điện ảnh có một luật bất thành văn thế này: Dù có áp dụng bất cứ kỹ thuật ghi hình nào đi chăng nữa, không bao giờ được phép để hình ảnh chiếc máy quay lọt vào khung hình. 

Sự xuất hiện vô tình của những chiếc máy quay đó, cũng như những đạo cụ, diễn viên không liên quan khác, có thể sẽ phá hỏng mạch cảm xúc của khán giả, kéo họ trở lại với thực tại thay vì đắm chìm không gian của bộ phim.

Các nhà làm phim đã giấu camera trong những cảnh quay trực diện trước gương như thế nào? - Ảnh 1.

Nếu không được để cho camera lọt vào khung hình thì các nhà làm phim đã thực hiện những cảnh quay trực diện trước tấm gương (như bức ảnh trên đây) như thế nào?

Điều này khiến cho đội ngũ quay phim phải đặc biệt chú ý trong những phân cảnh có gương hay bất kỳ đồ vật nào có tính phản chiếu hình ảnh như kính hay mặt nước. Nếu không xử lý kỹ càng, không có chiến lược quay cụ thể, anh chàng cameraman cùng dụng cụ quen thuộc của mình hoàn toàn có thể vô tình xuất hiện trong những phân cảnh như vậy.

Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, các nhà làm phim có rất nhiều phương pháp để “phù phép” cho chiếc camera biến mất trong những phân đoạn có gương. 

Họ có thể áp dụng màn xanh - 1 loại đạo cụ cực kỳ phổ biến nhằm hỗ trợ quá trình hậu kỳ diễn ra thuận lợi và nhanh chóng hơn; họ có thể xây dựng 2 phim trường giống hệt nhau, kết hợp với dàn diễn viên đóng thế như 1 hình ảnh phản chiếu; hay thậm chí là gắn camera lên tường để quay phim, và xóa nó đi trong khâu hậu kỳ.

Để hình dung cụ thể hơn, mời bạn cùng theo dõi một vài case study trong đoạn video dưới đây, với những phân cảnh có gương khá nổi tiếng trong 1 số bộ phim như Contact, Sucker Punch, Force Majeure và Criminal: United Kingdom.

[Vietsub] Các nhà làm phim đã "phù phép" cho chiếc camera biến mất như thế nào trong những cảnh quay có gương hay các đồ vật có tính phản chiếu?  

Theo YouTuber Paul E.T

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại