Các nhà khoa học đã phát hiện ra được một vụ bùng nổ sóng radio nhanh (fast radio burst – FRB) lớn nhất từng thấy và đáng tò mò hơn nữa, nó đến từ bên ngoài Dải Ngân hà của chúng ta.
Tín hiệu ấy đã bay ít nhất một tỷ năm ánh sang để có thể tới được Trái Đất và nó chỉ kéo dài trong vỏn vẹn duy nhất 1 giây. Nhưng chỉ cần có thể, chúng ta cũng đã có thêm được chút hiểu biết về khoảng trống dường như vô tận, khoảng không nằm giữa hai ngân hà.
Khoảng không ấy có tên là lưới vũ trụ - cosmic web, là một mạng lưới mà trên đó, tất cả các vật chất vũ trụ được phân bố dưới dạng một cấu trúc mạng nhện.
“Những FRB tuy rất ngắn, chỉ tồn tại trong một mili-giây nhưng chúng lại là là những chùm sóng radio cực mạnh”, nhà vật lý học Vũ trụ Ryan Shannon từ Đại học Úc nói. “Một số sóng được phát hiện một cách rất ngẫu nhiên, và không hề tồn tại hai sự bùng nổ sóng y hệt nhau”.
Ta vẫn còn biết rất ít về những thứ được gọi là FRB này: chúng đến từ đâu, chúng phát ra từ sự kiện vũ trụ gì, ... và lý do ta không có nhiều thông tin về FRB là vì từ trước tới nay, ta không phát hiện được nhiều sự kiện này lắm.
Lần bùng nổ này được đặt tên là FRB 150807, số thì to nhưng đây mới là lần thứ 18 một FRB được phát hiện, kể từ lần đầu tiên ta biết tới sự hiện hữu của nó vào năm 2001. Có một sự thật rằng các nhà khoa học không giỏi khoản đặt tên cho lắm.
Dù sự kiện này có vẻ hiếm xét tới tỉ lệ một năm mới gặp một lần, nhưng nhiều nhà khoa học cho rằng FRB xuất hiện khá thường xuyên, chẳng qua là ta không phát hiện ra được mà thôi.
“Chúng tôi ước tính rằng có khoảng 2.000 tới 10.000 những vụ bùng nổ sóng FRB diễn ra trên bầu trời này mỗi ngày”, nhà thiên văn học Vikram Ravi thuộc đội ngũ nghiên cứu nói.
Nơi được cho là đã phát ra FRB 150807.
Thông thường, FRB diễn ra cực kì nhanh nên ta gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định được chúng. Các kính viễn vọng phát hiện ra FRB cũng không thể lần dấu được địa điểm phát ra những hiện tượng này, khi mà nhiệm vụ chính của chúng là quan sát cả một mảng vũ trụ lớn.
Nhưng lần này, FRB 150807 lớn tới mức ta có thể tìm ra nguồn gốc của chúng và từ đó, ta sẽ có thêm manh mối mới về cách thức mà vật chất từ ngoài Dải Ngân hà “hạ cánh” xuống Trái Đất này.
Lần bùng nổ FRB này là lần đầu tiên ta tìm ra được thông tin chi tiết về lưới vũ trụ
“Đây là lần đầu tiên tôi phát hiện ra một lần bùng nổ FRB chứa thông tin chi tiết về lưới vũ trụ - thứ được coi là tấm vải phủ lên vũ trụ này”, giáo sư Shannon nói.
“Điều đáng chú ý nữa là ta có thể tái dựng lại đường bay của nó, tìm ra được nơi đát phát ra chùm sóng radio bùng nổ này, nơi đó có thể cách ta hàng tỷ năm ánh sáng và có thể chứa những thiên hà có thể có sự sống”.
Nhịp sóng của FRB 150807.
Khi những FRB đi xuyên qua vũ trụ, chúng đi qua rất nhiều vật chất như khí gas, các hạt ion hóa và trường điện từ ..., điều đó khiến sóng radio bị bóp méo.
Nhưng trong trường hợp này, khi Đài thiên văn Parkes tại Úc phát hiện ra FRB 150807, họ nhận thấy rằng nó bị bóp méo rất ít, điều đó chứng tỏ rằng bụi vũ trụ và trường điện từ xuyên suốt lưới vũ trụ không hỗn loạn như vật chất tại Dải Ngân hà này.
Họ cũng tìm ra được một số nơi có thể đã phát ra chùm sóng bùng nổ siêu mạnh này và trong những thiên hà tiềm năng, hệ sao VHS7 có khả năng là nguồn phát ra FRB 150807.
Thiên hà này nằm cách ta khoảng 3,2 cho tới 6,5 tỷ năm ánh sáng nên các nhà khoa học cũng không dám khẳng định lần bùng nổ sóng FRB lần này đến từ đây. Rất có thể còn một thiên hà bé nhỏ hơn không phát ra lượng ánh sáng đủ nhiều để ta có thể phát hiện ra.
Dù gì, ta vẫn có được một số thông tin nhất định từ phát hiện này. Trước đây nhiều nhà khoa học vẫn nghi ngờ rằng FRB đến từ những hiện tượng nằm ngay tại Dải Ngân hà này, với việc phát hiện FRB 150807 thì nghi ngờ trên đã được làm sáng tỏ.
“Tôi nghĩ rằng lần này, mọi chuyện đã được phân loại rõ ràng rồi”, nhà thiên văn học James M. Cordes từ Đại học Cornel nói. “Có lẽ chỉ một hoặc hai trong số 18 vụ bùng nổ sóng là từ thiên hà của ta thôi, số còn lại có thể đến từ những thiên hà khác”.
Dù rằng ta chưa hiểu được những chùm sóng FRB này được sinh ra từ sự kiện gì, nhưng ít nhất lần phát hiện này đã cho ta một cái nhìn rõ hơn chút ít về sự kiện vũ trụ mang tầm vi mô này.
Tham khảo ScienceAlert