Công nghệ cảm ứng mới, những thuật toán machine learning đang đưa toàn bộ ngành robot bước vào “thời đại Phục Hưng” rất riêng. Từng thế hệ robot mới lại hiện đại, phức tạp hơn những kẻ tiền nhiệm, những phần mềm điều hành đang ngày một đa năng và tiên tiến.
Nhưng những bước tiến hóa của robot vẫn là do con người dẫn dắt. Vậy sẽ ra sao nếu để robot tự tiến hóa nhỉ?
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Cornell vừa tạo ra một cỗ máy dựa trên đặc tính của ADN, với những khả năng “sống” như một sinh vật thực thụ. Những cỗ máy này có thể vận động, hấp thụ tài nguyên để lớn lên rồi dần phân rã, thậm chí chúng còn có thể tiến hóa theo thời gian. Rồi cũng như mọi sinh vật sống khác (hay đa số các sinh vật sống khác ), chúng cũng sẽ chết.
Vật liệu để làm ra các hệ thống này có tên DASH, viết tắt của Trật tự Sắp xếp và Tổng hợp dựa trên ADN - DNA-based Assembly and Syntheis of Hierarchical.
Nghe như một cỗ máy có thể “sống”, nhưng một trong những cha đẻ của nó, giáo sư sinh học Dan Luo từ Đại học Nông nghiệp và Khoa học Sự sống nói thế này:
“Chúng tôi đưa ra một khái niệm vật chất sống hoàn toàn mới, có cả một hệ thống trao đổi chất nhân tạo bên trong. Chúng tôi không tạo ra sự sống, mà tạo ra một thứ vật chất có khả năng ‘sống’ chưa từng thấy trước đay”.
Đội ngũ các nhà khoa học tại Cornell cho hay thứ vật chất này có độ phức tạp sinh học tương đương với nấm mốc:
“Trong nghiên cứu này, chúng tôi tạo ra một vật chất sinh học động vận hành dựa trên cơ chế trao đổi chất nhân tạo, thể hiện sự kế hợp giữa sinh tổng hợp và quá trình tổng hợp và phân ra. Những vận động của vật chất tương tự với nấm mốc được lập trình dựa trên các hệ thống cơ học”.
Và dường như “tạo ra sự sống” chưa đủ, các nhà nghiên cứu còn cho chúng thi đua với nhau:
“Bằng việc nới rộng chương trình, chúng tôi thấy được hành động tranh đua giữa hai hệ thống vận động. Những ứng dụng của hệ thống, bao gồm phát hiện mầm bệnh và sản sinh vật chất nano lai tạo, cho thấy những công dụng tương lai của hệ thống chúng tôi tạo được. Vật liệu sinh học động được vận hành bởi cơ chế trao đổi chất nhân tạo có thể mở ra một lối chưa ai đi, dẫn tới sự xuất hiện của hệ thống sinh học nhân tạo với khả năng phục hồi và tự dưỡng”.
Quá trình tạo nên vật liệu và dứng dụng DASH vào trong chế tạo hệ thống.
Về cơ bản, đội ngũ tại Đại học Cornell tạo ra robot bằng những vật liệu sinh học dựa trên nguyên mẫu ADN, quan sát cách chúng chuyển hóa tài nguyên sẵn có thành năng lượng, quan sát quá trình lớn lên, chết đi và lập trình cho chúng đua với nhau.
Mà đây mới chỉ là giai đoạn thử nghiệm đầu tiên. Người dẫn dẵn nghiên cứu, Shogo Hamada nói rằng “cuối cùng, hệ thống này có thể cho ta những cỗ máy tự sinh, có đặc tính như sinh vật sống”.
Với đà phát triển này, ta sẽ phải sớm ngồi lại để bàn tới thứ sự sống nhân tạo, tự hỏi xem nó có được xếp vào hàng “sự sống” không.