Vào tháng 9/2018, vệ tinh Mars Express của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), đã phát hiện một dải mây màu trắng dài tới 1500 km xuất hiện bên trên đỉnh Arsia Mons - ngọn núi lửa cao 20km nằm gần xích đạo sao Hỏa. Sự xuất hiện của dải mây bí ẩn này khiến không ít nhà khoa học cảm thấy bối rối vào thời diểm đó.
Một số trang mạng thậm chí cho rằng dải mây này có thể là khói bốc ra từ hoạt động núi lửa, cho thấy đỉnh Arsia Mons có thể đã phun trào. Tuy nhiên, thông tin này sau đó đã bị bác bỏ, khi Sao Hỏa không hề có bất kỳ đợt phun trào núi lửa nào xảy ra trong hàng triệu năm qua.
Kể từ đó đến nay, các nhà khoa học đã tập trung giải mã dải mây bí ẩn được đặt tên AMEC ( Đám mây dài Arsia Mons) này. Bằng cách sử dụng máy ảnh trang bị trên vệ tinh Mars Express, các nhà khoa học cuối cùng cũng đã có cái nhìn rõ hơn về cách dải mây hình thành cũng như tan biến.
Về cơ bản, việc nghiên cứu quá trình hình thành AMEC gặp rất nhiều khó khăn, khi dải mây này thường tan biến rất nhanh, trong khi các con tàu trên quỹ đạo sao Hỏa không thể theo dõi nó suốt 24/24.
AMEC xuất hiện vào mùa xuân của sao Hỏa, với chiều dài tối đa có thể đạt được là 1800 km. Nó được hình thành bởi không khí ấm, ẩm chảy lên sườn núi. Bầu khí quyển của sao Hỏa cực kỳ mỏng, và nước lỏng hầu như không tồn tại trên bề mặt của nó. Mặc dù vậy, vẫn có đủ độ ẩm trong không khí để tạo điều kiện cho những đám mây mỏng hình thành.
"Đây là đám mây đỉnh núi lớn nhất từng thấy trên sao Hỏa. Nó hình thành khi gió bị đẩy lên cao bởi các đặc điểm địa hình (như núi hoặc núi lửa) trên bề mặt Sao Hỏa", cơ quan vũ trụ Châu Âu cho biết.
AMEC xuất hiện rồi biến mất mỗi ngày, trong vòng 80 ngày hoặc hơn. Nó bắt đầu hình thành vào thời điểm trước khi Mặt Trời mọc và lớn dần lên rất nhanh trong khoảng 2 tiếng rưỡi. Sau đó, dải mây vượt xa ra khỏi đỉnh Arsia Mons với tốc độ mở rộng lên tới 600km/h ở độ cao 45km. Cuối cùng, nó dần bốc hơi đi khi nhiệt độ trong ngày trên Sao Hỏa ấm lên do Mặt trời mọc.
Tại Trái Đất, các dải mây đỉnh núi tương tự cũng xuất hiện, nhưng chúng vẫn ‘kém xa’ về độ so với dải mây AMEC trên Sao Hỏa.
Mặc dù các quan sát từ Mars Express đã tiết lộ chu kỳ hàng ngày của AMEC, nhưng vẫn còn ít nhất một câu hỏi lớn về hình thái thời tiết này.
Theo ESA, các đám mây được phát hiện hình thành trên đỉnh của tất cả các ngọn núi lửa gần như trong suốt cả năm Sao Hỏa. Tuy nhiên, tất cả những đám mây này đều biến mất vào mùa xuân Sao Hỏa - ngoại trừ dải mây ở Arsia Mons. Đó là thời điểm mà AMEC xuất hiện và lặp đi lặp lại, ngày này qua ngày khác. Tại sao AMEC chỉ xuất hiện trên đỉnh Arsia Mons và không xuất hiện trên các núi lửa khác tại Sao Hỏa? Đây là vấn đề các nhà khoa học sẽ phải giải đáp trong tương lai.
Tham khảo CNET / The Weather Network