Sau 20 năm tìm kiếm, các nhà khoa học cuối cùng cũng xác định ra phân tử bí ẩn cuối cùng, bị tấn công bởi hệ miễn dịch để kích hoạt bệnh tiểu đường type 1.
Giải mã được câu đố sẽ giúp chúng ta tìm ra phương pháp mới để điều trị căn bệnh mãn tính nguy hiểm này.
Tiểu đường type 1 là một tình trạng tự miễn dịch, nghĩa là nó được gây ra khi hệ miễn dịch quay lại tấn công chính cơ thể. Trong trường hợp cụ thể, đó là các thế bào beta sản xuất insulin trong tuyến tụy.
Suốt nhiều thập kỷ qua, các nhà khoa học đã phải vật lộn để tìm hiểu chính xác cách mà hệ thống miễn dịch thực hiện cuộc tấn công và các mục tiêu nó nhắm tới. Bây giờ, họ đã giải mã được bí ẩn cuối cùng trong số đó.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Diabetes .
Các nhà khoa học giả mã bí ẩn tồn tại suốt 20 năm của bệnh tiểu đường
“Với phát hiện mới này, chúng ta đã hoàn thành việc xác định những mục tiêu mà hệ miễn dịch đang nhắm tới. Chúng ta đã có bức tranh hoàn chỉnh về tiểu đường type 1”, nhà nghiên cứu Michael Christie đến từ Đại học Lincoln, Anh nói với BBC.
Nó mở ra hi vọng để tìm cách ngăn chặn căn bệnh mãn tính nguy hiểm này.
Từ lâu, chúng ta đã biết được rằng hệ miễn dịch của bệnh nhân tiểu đường type 1 sản xuất ra những kháng thể để chống lại chính tế bào beta ở tuyến tụy của họ.
Các tế bào bị tấn công sẽ mất khả năng sản xuất insulin. Hooc-môn này đóng vai trò quan trọng trong quá trình phân giải chất đường bột, mở đường cho phép glucose từ máu vào các tế bào, cung cấp năng lượng cho chúng hoạt động.
Vì vậy, khi mắc tiểu đường type 1, insulin không được tuyến tụy sản xuất khiến cho đường tích tụ nhiều trong máu.
Tình trạng này sẽ gây ra một loạt các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như: suy thận, thiệt hại thần kinh, bệnh tim mạch , nhiễm trùng…
Mặc dù biết rằng hệ miễn dịch sẽ tấn công trở lại các tế bào đảo tụy trong tiểu đường type 1, các nhà khoa học đã rất khó khăn để tìm ra mục tiêu cấp phân tử của các kháng thể.
Trong suốt thời gian dài, họ chỉ xác định được 4 trong 5 mục tiêu đó và phải vật lộn với phân tử cuối cùng trong suốt 20 năm. Sự bí ẩn của phân tử này khiến nó được gọi với cái tên “phân tử X”.
Cho đến giờ, danh tính của “phân tử X” mới được tiết lộ. Hóa ra đó là một protein có tên Tetraspanin-7.
“Chúng ta đã có một số kiến thức về tính chất vật lý của phân tử này, nhưng danh tính của nó trong nhiều năm qua được chứng minh là rất khó để nắm bắt”, Christie nói.
Bây giờ, chúng ta đã có thể xác định đầy đủ 5 phân tử mục tiêu trong bệnh tiểu đường type 1 là: insulin, glutamate decarboxylase, zinc transport-8, IA-2 và cuối cùng là Tetraspanin-7.
“Chúng tôi hi vọng rằng sau khi xác định được các mục tiêu chính này, chúng ta có thể tìm cách ngăn chặn cuộc tấn công xảy ra, bằng cách loại bỏ phản ứng của hệ miễn dịch với 5 phân tử này”, Christie nói.
Theo Diabetes UK, tổ chức tài trợ hàng đầu cho các nghiên cứu tiểu đường ở Anh, đây là một phát hiện “ấn tượng” và là bước tiến bộ trong một hướng đi đúng.
“Để ngăn ngừa tiểu đường type 1, chúng ta cần hiểu rõ hệ miễn dịch đã làm thế nào để gây tổn thương cho các tế bào sản xuất insulin ngay từ giai đoạn đầu tiên”, Emily Burn, phát ngôn viên của Diabetes UK cho biết.
“Chúng tôi hy vọng rằng phát hiện mới sẽ được sử dụng để cải thiện quá trình chẩn đoán sớm nguy cơ tiểu đường type 1. Trong dài hạn, nó có thể dùng để phát triển một phương pháp điều trị”.
“Với những tiến bộ gần đây trong hiểu biết của chúng ta về tiểu đường type 1, tôi rất hi vọng chúng ta sẽ phát triển các phương pháp điều trị ngay từ bây giờ”, Christie nói thêm. “Tôi tự tin hơn rất nhiều so với 5 năm trước đây”.
Ông nói một bức tranh đầy đủ về tiểu đường type 1 đã được xây dựng và nó sẽ thay đổi cách mà chúng ta chăm sóc cho những bệnh nhân.
Tham khảo BBC, Sciencealert