Các nhà khoa học đặt mục tiêu hồi sinh voi ma mút vào năm 2025

Thanh Long |

Trong kế hoạch của mình, Lamm đặt mục tiêu sẽ tạo ra được những phôi thai voi ma mút lông cừu đầu tiên trong vòng 4-6 năm tới. "Sẽ mất thêm 18-22 tháng để mang thai một con voi như chúng ta biết ngày nay. Rồi tiếp tục là 13 năm để có một con voi trưởng thành về mặt sinh dục", ông nói.

Những con voi ma mút sống trong Kỷ Băng Hà đã bị tuyệt chủng từ 10.000 năm trước. Nhưng các nhà khoa học đang có ý định mang chúng trở lại. Colossal, một start-up công nghệ sinh học mới đây cho biết họ đã huy động được 15 triệu USD cho dự án hồi sinh loài voi ma mút lông cừu từng sống ở vùng lãnh nguyên Bắc Cực.

Ben Lamm, giám đốc điều hành của Colossal cho biết: "Thông qua việc tái sinh các loài sinh vật đã tuyệt chủng, con người có thể tìm ra cách khai thác sức mạnh của công nghệ để xây dựng lại hệ sinh thái, chữa lành cho Trái Đất và bảo tồn tương lai của hành tinh".

Các nhà khoa học đặt mục tiêu hồi sinh voi ma mút vào năm 2025 - Ảnh 1.

Ben Lamm, giám đốc điều hành của Colossal và nhà di truyền học Harvard George Church trong dự án hồi sinh voi ma mút.

Colossal ví dự án của mình như Chương trình Apollo của NASA trong thế giới sinh học. Nó không chỉ hoàn thành được mục tiêu vĩ đại là đặt chân lên mặt trăng, mà trong quá trình thực hiện mục tiêu đó, rất nhiều công nghệ hữu ích như GPS hoặc các nguyên tắc cơ bản của internet đã được ươm mầm.

Với việc hồi sinh lại được voi ma mút, Lamm hi vọng công ty của ông có thể phát triển được một bộ công cụ cho phép chỉnh sửa kiểu gen và kiểu hình sinh vật. Họ cũng sẽ tiên phong hoàn thiện các kỹ thuật mang thai hộ và tử cung nhân tạo. Dưới góc độ của một nhà kinh doanh, đó là những công nghệ được Lamm đánh giá là "vô cùng có giá trị và có thể kiếm được tiền từ đó".

Làm thế nào để hồi sinh được voi ma mút?

Dưới góc độ chuyên môn, dự án của Colossal sẽ hợp tác với nhà di truyền học Harvard George Church, một người đi tiên phong trong lĩnh vực kỹ thuật gen và cũng có ý định hồi sinh voi ma mút từ nhiều năm nay.

Trong một nghiên cứu năm 2015, giáo sư Church đã chiết xuất được những mảnh DNA nguyên vẹn của voi ma mút lông cừu từng sống ở Bắc Cực trong Kỷ Băng Hà. DNA của chúng đã được khôi phục từ những mảnh ngà, xương, răng và lông được bảo quản một cách hoàn hảo trong băng vĩnh cửu.

Các nhà khoa học đặt mục tiêu hồi sinh voi ma mút vào năm 2025 - Ảnh 2.

Một con voi ma mút lông cừu non được bảo quản hoàn hào trong băng vĩnh cửu.

Sự hoàn hảo của mẫu DNA thu thập được đã cho phép giáo sư Church tiến hành sao chép gen của voi ma mút lông cừu vào bộ gen của voi Châu Á hiện đại, loài vật chia sẻ tới 99,6% mã di truyền với voi ma mút.

Sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa DNA CRISPR, nhóm của ông đã ghép các phân đoạn di truyền thu thập được từ mẫu tai, mỡ dưới da và lông của voi ma mút đông lạnh sang DNA tế bào da voi hiện đại.

Nghiên cứu này đánh dấu lần đầu tiên các gen của voi ma mút lông cừu được hồi sinh trở lại và hoạt động về mặt chức năng kể từ khi chúng bị tuyệt chủng.

Tuy nhiên, giáo sư Church cho biết chỉ hồi sinh các DNA thì chưa đủ. Ông muốn tận mắt chứng kiến kiểu hình của chúng, hay nói cách khác là những con voi ma mút thực sự đi lại trên mặt đất.

Để làm được điều này, giáo sư Church từng có ý tưởng đưa gen của voi ma mút vào trong các phôi nuôi bằng tử cung nhân tạo. Những phôi này ban đầu có thể được lai với voi Châu Á, nhưng giáo sư Church sẽ dùng kỹ thuật chỉnh sửa gen CRISPR để xóa nhòa ranh giới 0,4% sự khác biệt còn lại giữa chúng.

Các nhà khoa học đặt mục tiêu hồi sinh voi ma mút vào năm 2025 - Ảnh 3.

Kỹ thuật chỉnh sửa gen CRISPR sẽ cho phép xóa bỏ 0,4% sự khác biệt trong bộ gen voi Châu Á với voi ma mút lông cừu, đưa những sinh vật tai nhỏ, ngà dài này trở về với ngôi nhà Bắc Cực.

Điều này sẽ giúp tạo ra kiểu hình của voi ma mút trên thế hệ con lai, với chiều cao hơn 3,3 mét, nặng khoảng 6 tấn với lớp mỡ dày và các đặc điểm đặc trưng của voi ma mút lông cừu khác như: ngà cong và dài từ 2-4 mét, lớp lông dày và dài từ 30-90 cm ở hai bên sườn, một cái bướu cao lên ở lưng, đầu lớn, tai nhỏ và đuôi ngắn để giữ nhiệt.

Với kiểu hình này, voi ma mút lông cừu có thể chịu được nhiệt độ tới -22 độ C.

Sự trở lại của voi ma mút sẽ giúp hồi sinh hệ sinh thái Bắc Cực

Bây giờ, bạn có thể nghĩ rằng những con voi ma mút không thể sống trong một thế giới đang ngày càng nóng lên như hiện nay. Nhưng mục đích của giáo sư Church và Colossal đặt ra khi hồi sinh voi ma mút, không phải là để nhốt chúng trong một công viên kỷ Jura và thu vé tham quan.

Thay vào đó, họ muốn tạo ra hàng đàn voi ma mút lông cừu và đưa chúng trở lại sinh sống ở Bắc Cực. Sự hiện diện của một sinh vật khổng lồ ở khu vực này vô cùng có ý nghĩa.

Các nhà khoa học đặt mục tiêu hồi sinh voi ma mút vào năm 2025 - Ảnh 4.

Voi ma mút có vai trò vô cùng quan trọng với hệ sinh thái Bắc Cực.

Giáo sư Church cho biết một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với hành tinh của chúng ta ngày nay là sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực.

Băng tan chảy đồng nghĩa với sự kiện giải phóng một lượng lớn khí nhà kính mà chúng đang lưu trữ trong suốt hàng triệu năm. Quá trình này đang được thúc đẩy bởi các loài thực vật xuất hiện sau khi voi ma mút lông cừu biến mất khỏi Bắc Cực.

Bởi vậy ông đang đặt cược vào ý tưởng hồi sinh một quần thể voi ma mút và thả chúng trở lại Bắc Cực. Những đàn voi này sau đó sẽ băm nát các bụi cây cho phép các đồng cỏ nguyên thủy của lãnh nguyên phát triển trở lại. Hệ sinh thái đó được duy trì bởi các sinh vật khổng lồ, sau đó sẽ cô lập carbon một cách hiệu quả thay vì cho phép khí nhà kính quay trở lại bầu khí quyển như hiện nay.

"Thảo nguyên ma mút từng là hệ sinh thái lớn nhất thế giới - trải dài từ Pháp đến Canada và từ Bắc Cực đến Trung Quốc. Đây là nơi sinh sống của hàng triệu loài động vật ăn cỏ lớn", Colossal cho biết.

"Quá trình thiết lập lại một hệ sinh thái đồng cỏ sẽ giúp tạo ra một chu trình ngăn chặn sự tan băng và giải phóng các khí nhà kính được lưu trữ trong lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực".

Các nhà khoa học đặt mục tiêu hồi sinh voi ma mút vào năm 2025 - Ảnh 5.
Các nhà khoa học đặt mục tiêu hồi sinh voi ma mút vào năm 2025 - Ảnh 6.

Trong kế hoạch của mình, Lamm đặt mục tiêu sẽ tạo ra được những phôi thai voi ma mút lông cừu đầu tiên trong vòng 4-6 năm tới. "Sẽ mất thêm 18-22 tháng để mang thai một con voi như chúng ta biết ngày nay. Rồi tiếp tục là 13 năm để có một con voi trưởng thành về mặt sinh dục", ông nói.

Ngoài ra, Colossal cũng sẽ nhắm đến việc hồi sinh và bảo tồn cả các loài sinh vật khác như tê giác Sumatra và Quỷ Tasmania. "Chúng tôi sẽ có thể tận dụng các công nghệ của mình để giúp bảo tồn các loài cực kỳ nguy cấp đang trên đà tuyệt chủng và phục hồi các loài động vật mà loài người đã nhúng tay vào sự diệt vong của chúng", Lamm nói.

Tham khảo Futurism , Entrepreneur

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại