Được đề xuất lần đầu vào cuối năm 1990 nhưng tới bây giờ lý thuyết về tốc độ ánh sáng này mới được thực nghiệm.
Nó có khả năng trở thành một trong những thực nghiệm quan trọng nhất từ trước tới nay bởi nếu được chứng minh là đúng, nó có thể thay đổi một số hiểu biết cơ bản nhất của chúng ta về vũ trụ.
Trước đây, chúng ta cho rằng tốc độ ánh sáng về cơ bản là không thay đổi. Đó là ý tưởng trung tâm góp phần tạo ra một số khái niệm quan trọng nhất trong vật lý và những hiểu biết của chúng ta về vũ trụ, chẳng hạn như thuyết tương đối tổng quát và cách vũ trụ giãn nở sau vụ nổ Big Bang.
Tốc độ ánh sáng hiện tại, xấp xỉ 300 triệu mét mỗi giây, luôn luôn được coi là một hằng số và còn được coi là tốc độ tối đa của bất cứ thứ gì trong vũ trụ.
Nhưng lý thuyết mới cho rằng trong thời gian đầu khi vũ trụ mới hình thành ánh sáng có thể đi với tốc độ nhanh hơn nhiều so với hiện tại.
Bằng cách nghiên cứu bức xạ nền vi sóng vũ trụ (CMB) các nhà khoa học hy vọng rằng họ có thể chứng minh rằng tốc độ ánh sáng không phải là hằng số. CMB là bức xạ điện từ được sinh ra từ thời kỳ sơ khai của vũ trụ, sau vụ nổ Big Bang, và là bức tranh của vũ trụ thời sơ khai.
Các cấu trúc trong vũ trụ, như các thiên hà, tất cả đều được hình thành từ các biến động nhỏ trong vũ trụ thủa sơ khai, hiện các biến động này đều được in dấu trong CMB.
Hiện các nhà khoa học đang cố gắng dùng những số liệu tính toán, đo đạc của các biến động này để tạo ra một "chỉ số quang phổ".
Theo một nghiên cứu mới, nếu lý thuyết tốc độ ánh sáng mới là đúng và tốc độ ánh sáng có thể cao hơn sau vụ nổ Big Bang, chỉ số quang phổ chính xác là 0,96478. Ước tính hiện tại chỉ số quang phổ gần đạt mức tương tự, vào khoảng 0,968.
Giáo sư Joao Magueijo, từ trường Imperial College London, người dẫn đầu nghiên cứu, chia sẻ rằng: "Lý thuyết mà chúng tôi đề xuất lần đầu vào cuối năm 1990 đã tới lúc trưởng thành, nó đã tạo ra một dự đoán có thể kiểm chứng.
Nếu quan sát trong tương lai gần có thể tìm ra rằng con số này là chính xác, nó sẽ khiến thuyết tương đối của Einstein không còn đúng nữa".
"Ý tưởng cho rằng tốc độ ánh sáng không phải là hằng số có thể bị phản bác khi lần đầu được đề xuất nhưng với một số dự đoán nhất định nó có thể là một thứ gì đó mà các nhà khoa học có thể thực sự thực nghiệm.
Nếu nó được chứng minh là đúng thì các quy luật tự nhiên mà chúng ta biết hiện tại có thể sẽ bị thay đổi".
Theo Independent