Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vừa thông báo về việc trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế để lại lũy kế năm 2021.
Cụ thể, ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận được 20 cổ phiếu mới. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền là ngày 23/8/2022.
Hiện vốn điều lệ của MB ở mức 37.783 tỷ đồng. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng lên hơn 45.300 tỷ. Theo đó, MB sẽ tạm vượt qua VPBank (45.057 tỷ đồng) để đứng thứ 4 trong hệ thống.
Được biết, ngoài việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, MB còn có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 892,4 tỷ đồng thông qua việc phát hành riêng lẻ 70 triệu cp cho Viettel và phát hành 19,24 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
MB cũng dự kiến chào bán cổ phiếu riêng lẻ mới 65 triệu cp, thực hiện trong năm 2022 và 2023. Giá chào bán thỏa thuận, không thấp hơn giá trị sổ sách.
Đóng cửa phiên giao dịch hôm 9/8, giá cổ phiếu MB đứng ở mức 27.350 đồng/cp, tăng 6% kể từ đầu tháng 8.
Về kết quả kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng đạt 11.896 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2021. Các mảng kinh doanh của MB đều có kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, động lực tăng trưởng chính vẫn là ở mảng kinh doanh cốt lõi tín dụng.
Tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản của ngân hàng hợp nhất là 658.274 tỷ đồng, tăng 8,4% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 14,3% lên 415.457 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp tăng từ 39.208 tỷ đồng hồi đầu năm lên 46.333 tỷ đồng vào cuối tháng 6, tương đương tăng 18%.
Tiền gửi khách hàng của MB tăng 3,2% lên 396.910 tỷ đồng. Tương tự như nhiều nhà băng khác, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) có dấu hiệu sụt giảm, từ tỷ lệ 48,7% hồi đầu năm xuống mức 45,5% vào cuối tháng 6. Tuy nhiên, MB vẫn là ngân hàng có tỷ lệ CASA cao thứ 2 trong hệ thống, chỉ sau Techcombank (47,5%).
Nợ xấu hợp nhất của MB cuối quý 2 năm nay là 4.976 tỷ đồng, tăng 52% so với đầu năm. Với riêng ngân hàng mẹ, nợ xấu là 3.704 tỷ đồng, tăng 59% so với hồi đầu năm và chiếm 0,95% trong tổng dư nợ cho vay. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu MB riêng lẻ đạt 271%.
Về "cuộc đua" tăng vốn điều lệ, bên cạnh MB, nhiều ngân hàng khác cũng rục rịch triển khai kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Chẳng hạn, NamABank vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận việc tăng vốn điều lệ thêm tối đa 1.900 tỷ đồng. Theo đó, nhà băng này được tăng vốn điều lệ thêm tối đa gần 1.230 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và 670 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Tương tự, NHNN vừa chấp thuận cho KienlongBank tăng vốn điều lệ từ 3.653 tỷ đồng lên 4.231 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 thông qua. Ngân hàng được tăng vốn điều lệ thêm 578,4 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ chia là 16%.
MSB vừa qua cũng thông báo về việc tăng vốn điều lệ lên 20.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 30% và phát hành tối đa 14,25 triệu cổ phiếu cho người lao động từ nguồn vốn chủ sở hữu.