Các ngân hàng Big4 sắp mất tên "ông lớn" trên bảng xếp hạng vốn điều lệ, một nhà băng tư nhân sẽ vươn lên cao nhất hệ thống?

Thu Thủy |

Nếu kế hoạch tăng vốn thành công, đây sẽ là lần đầu tiên một ngân hàng tư nhân đứng đầu về vốn điều lệ trong hệ thống, không những vậy còn bỏ xa Vietcombank, VietinBank, BIDV.

Ngân hàng VPBank mới đây đã công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Một trong những nội dung quan trọng sẽ được trình cổ đông là kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ lên gần 80.000 tỷ đồng.

Cụ thể, ngân hàng sẽ tăng vốn qua 2 phương án, bao gồm phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và trả cổ tức/cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Phương án 1, VPBank sẽ phát hành tối đa 2.237.736.693 cổ phiếu để tăng vốn thêm hơn 22,3 nghìn tỷ đồng, với tỷ lệ 50% (cổ đông sở hữu 1000 cổ phiếu phổ thông được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 500 cổ phiếu mới). Thời điểm thực hiện dự kiến vào Quý 2 và/hoặc Quý 3 năm 2022. Qua lần tăng vốn đầu tiên, vốn mới của VPBank sẽ là hơn 67,4 nghìn tỷ đồng.

Phương án 2 là phát hành riêng lẻ cho Nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ, để tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank lên đến tối đa 30% vốn điều lệ.

Số lượng cổ phiếu phát hành thêm tối đa dự kiến: 1.190.000.000 cổ phiếu, tương đương mức sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài là 15% vốn điều lệ sau phát hành. Mức giá phát hành do Hội đồng Quản trị quyết định theo thỏa thuận, đàm phán giữa hai bên, đảm bảo không thấp hơn giá trị sổ sách của VPBank.

Đây là kế hoạch tăng vốn mạnh nhất trong các ngân hàng năm 2022. Với mức vốn điều lệ lên gần 80.000 tỷ, VPBank sẽ không chỉ vượt mà còn bỏ xa các "ông lớn" là Vietcombank, VietinBank, BIDV.

Hiện vốn điều lệ của VPBank cũng đã ngang ngửa với 3 ngân hàng trên. Cụ thể, nhà băng này có vốn điều lệ đạt 44.455 tỷ đồng, cao nhất trong các ngân hàng tư nhân và đứng thứ 4 trong hệ thống, sau Vietcombank (47.325 tỷ đồng), VietinBank (48.058 tỷ đồng), BIDV (50.585 tỷ đồng).

Trên thực tế, 3 ngân hàng quốc doanh cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay. Trong đó, Vietcombank đã công bố tài liệu gửi cổ đông thường niên năm 2022 với dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 18,1% để tăng vốn thêm hơn 8.566 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng.

Kế hoạch tăng vốn trên của Vietcombank chưa tính đến việc ngân hàng phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, ngân hàng này đã thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ quy mô tối đa 6,5% vốn điều lệ.

VietinBank chưa có phương án tăng vốn điều lệ cụ thể, nhưng theo tờ trình phân phối lợi nhuận, ngân hàng muốn dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại sau khi trích các quý năm 2021 (9.624 tỷ đồng) để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Nếu theo kế hoạch này, vốn điều lệ của nhà băng sẽ tăng lên hơn 57.600 tỷ đồng.

BIDV cũng sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ tại ĐHĐCĐ thường niên sắp tới. Tuy nhiên, hiện tờ trình này vẫn chưa được công bố. Trước đó, vốn điều lệ của BIDV đã tăng hơn 10.000 tỷ trong năm 2021 lên 50.585 tỷ đồng, đang là ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống.

Bên cạnh những ngân hàng trên, hàng loạt nhà băng khác cũng có kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ trong năm nay, chủ yếu thông qua việc chia cổ phiếu thưởng, hoặc một số có phương án chào bán riêng lẻ. Dự kiến sẽ có gần chục ngân hàng có vốn điều lệ đạt trên 30.000 tỷ trong năm nay, có thêm những cái tên như ACB, SHB.

Trước đó, trong năm 2021, hệ thống ngân hàng đã tăng vốn điều lệ thêm hơn 110.000 tỷ đồng. Đây cũng là năm mà các ngân hàng tăng vốn mạnh và ồ ạt nhất từ trước đến nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại