Theo các chuyên gia, mức phát thải khí nhà kính của các nền kinh tế lớn trên thế giới vào năm 2021 sẽ tăng 4% so với mức trước đại dịch.
Climate Transparency lưu ý, trong bối cảnh các hạn chế về đại dịch Covid-19 vào năm 2020, lượng khí thải carbon đã giảm 6% so với năm 2019, nhưng hiện nay chúng đã tăng trở lại. Các chuyên gia đã chỉ ra Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Argentina là “thủ phạm” chính của những thay đổi tiêu cực này.
Ngoài ra, các nhà khoa học cho biết, sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của nhiều quốc gia có thể làm suy yếu mọi nỗ lực kiềm chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình ở mức khoảng 1,5 độ C, giờ đây con số này đã tăng 1,1 độ C so với mức tiền công nghiệp.
. (Ảnh: Reuters)
Nếu các cuộc đàm phán tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc ở Glasgow (Scotland) thành công, thì các tác nhân gây ô nhiễm chính của hành tinh sẽ phải tích cực đối phó với quá trình khử cacbon trong thời gian ngắn.
Đồng thời, nghiên cứu cho thấy, tất cả các quốc gia đều không cắt giảm lượng khí thải đủ nhanh. Các quốc gia G20 chiếm 75% lượng khí thải toàn cầu, tiếp tục phát triển trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Các chuyên gia nhận thấy lý do chính là vì nhu cầu ngày càng tăng đối với nhiên liệu hóa thạch. Các nước G20 dự kiến sẽ tiêu thụ nhiều hơn 5% than vào năm 2021 so với năm 2020. Mức độ phổ biến của khí đốt tự nhiên cũng tăng lên từ năm 2015 đến năm 2020, loại nhiên liệu này trong G20 bắt đầu được sử dụng thường xuyên hơn 12% so với trước đây.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng ghi nhận những thay đổi tích cực vào năm 2021 khi công suất năng lượng tái tạo đã tăng 2% và hiện chiếm 12% trong danh mục năng lượng của G20, đồng thời ở hầu hết các quốc gia đã phát triển kế hoạch đạt được mức độ trung hòa cacbon vào giữa thế kỷ này.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), một cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu hiệu quả các nước cần tăng gấp 3 lần chi phí cho các dự án sinh thái vào năm 2030. IEA dự đoán, nếu các chính phủ không bắt đầu tích cực đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế, thì đến năm 2100 nhiệt độ trên hành tinh sẽ tăng thêm 2,6 độ C.
Trước đó, sau nhiều năm trì hoãn, ngày 6/10, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức phê chuẩn Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu. Với quyết định này, hiệp ước được hình thành từ năm 2015 với mục đích khống chế mức tăng nhiệt độ của Trái Đất đã được tất cả các nước thành viên G20 phê chuẩn.