Những nỗ lực âm thầm
Trong hơn 20 năm qua, Trung Quốc đã vươn lên từ một vị trí vô danh để trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong ngành công nghiệp sản xuất phụ tùng xe hơi.
Sự vươn lên này được thúc đẩy bởi xu hướng các nhà sản xuất ô tô châu Âu và Mỹ chuyển sản xuất linh kiện ô tô sang Trung Quốc để tiết kiệm chi phí, đồng thời thiết lập liên kết với thị trường ô tô lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin trong ngành, các tập đoàn toàn cầu hiện đã phát động một nỗ lực âm thầm nhưng có hệ thống nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào mạng lưới các nhà sản xuất linh kiện của Trung Quốc.
Ted Cannis, một giám đốc điều hành cấp cao của Ford cho biết: “Đang có xu hướng đánh giá lại hoạt động logistics trong lĩnh vực này. Theo đó, việc phát triển chuỗi cung ứng sẽ là trọng tâm của thập kỷ này.”
Động thái trên đã được thúc đẩy bởi hai yếu tố. Đầu tiên là do chính sách chống Covid-19 của Trung Quốc, vốn buộc các nhà máy phải đóng cửa kéo dài.
“Đại dịch càng kéo dài thì càng có nhiều bất ổn,” lãnh đạo của Volvo Car, Jim Rowan, nhận định vào đầu năm nay, khi thông báo rằng nhà sản xuất ô tô do Geely hậu thuẫn đang tăng cường sử dụng các linh kiện không do Trung Quốc sản xuất.
Yếu tố thứ hai là sự lo ngại về lâu dài đối với khả năng quan hệ của Trung Quốc với cộng đồng quốc tế trở nên căng thẳng khiến ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.
Cannis nói: “Mối quan hệ Mỹ - Trung đang ngày càng khó đoán định. Thế giới đang bước vào một giai đoạn mới.”
Mặc dù hầu hết các tập đoàn đa quốc gia khó có thể từ bỏ hoàn toàn thị trường Trung Quốc vì quy mô của nó, nhưng đa phần nhận định nguồn cung linh kiện từ nước này đến các nhà máy trên toàn thế giới sẽ giảm dần theo thời gian.
Do đó, các nhà sản xuất nước ngoài hướng đến việc sản xuất phụ tùng và các mẫu xe tại Trung Quốc chỉ dành riêng cho thị trường này.
Quyết định trên sẽ giúp giảm sự phụ thuộc của các công ty nước ngoài vào các nhà máy Trung Quốc liên quan đến xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, đồng thời vẫn duy trì chuỗi cung ứng nội địa cho chính các nhà máy của họ tại Trung Quốc.
Những lý do không thể rời Trung Quốc
Việc cải tổ chuỗi cung ứng sẽ mất thời gian vì các nhà sản xuất ô tô hiếm khi chuyển đổi nguồn cung ứng linh kiện cho đến kết thúc vòng đời một mẫu xe, tức là khoảng 7 năm.
Việc chuyển dịch này cũng khá tốn kém đối với một ngành công nghiệp hiện đang hoạt động dựa trên tỷ suất lợi nhuận thấp.
“Tôi không nghĩ việc tìm nguồn cung ứng là khó khăn, mà chi phí mới là yếu tố quyết định. Nếu tất cả đều chuyển sang cùng một nhà cung cấp châu Âu hoặc Mỹ, bạn đang hạn chế nguồn cung và giá sẽ tăng lên", Tom Narayan, chuyên gia tại RBC Capital Markets cho biết.
Ted Mabley, chuyên gia tư vấn chuỗi cung ứng tại PolarixPartner, cho biết việc rời khỏi Trung Quốc “sẽ dẫn đến việc tăng giá cho cả nhân công và vật liệu”.
Điều này đòi hỏi các hãng xe phải hướng tới các quốc gia có chi phí thấp. Trung Quốc “không phải là duy nhất và thậm chí không phải là tốt nhất”, với “rất nhiều lựa chọn” tại Ấn Độ, Mexico, một số khu vực ở Bắc Phi và Châu Á, Carlos Tavares, giám đốc điều hành của Stellantis nói.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô cũng đang đặt mục tiêu khắt khe hơn trong việc lựa chọn nhà cung cấp, khi họ tính tới khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng cũng như chi phí để đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đổ vỡ.
Masahiro Moro, giám đốc điều hành cấp cao của Mazda cho biết: “Đây không còn là thời đại mà chi phí là yếu tố thúc đẩy chính. “Ngay bây giờ, chúng tôi đang đặt ưu tiên đối với sự ổn định để đảm bảo việc nguồn cung ổn định các bộ phận của ô tô.” Mazda cho biết họ đang chuyển sản xuất một số linh kiện tại Trung Quốc sang Nhật Bản.
Đây là dấu hiệu cho thấy ngay cả các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, vốn có xu hướng ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc so với các đối thủ ở châu Âu hay Mỹ, cũng đã bắt đầu giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tại nước này. Công ty đã yêu cầu hơn 200 nhà cung cấp sử dụng linh kiện sản xuất tại Trung Quốc dự trữ hàng trong trường hợp có sự gián đoạn sắp tới.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp này vẫn phụ thuộc vào việc bán hàng cho khách hàng tại thị trường Trung Quốc.
“Với hàng loạt tác động đến nguồn cung sản xuất do nhiều yếu tố, bao gồm cả việc phong tỏa tại Thượng Hải, chúng tôi đang xem xét nhiều cách khác nhau để phòng ngừa rủi ro chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, chúng tôi không xem xét cụ thể kịch bản rời khỏi Trung Quốc,” Honda cho biết.
Rủi ro chuỗi cung ứng lớn hơn đối với các nhà sản xuất ô tô Đức như Mercedes, BMW và đặc biệt là Volkswagen.
Cả 3 hãng này đều gắn bó sâu sắc ở Trung Quốc đến mức, cùng với tập đoàn hóa chất BASF, họ chiếm tới 1/3 tổng vốn đầu tư trực tiếp của châu Âu vào Trung Quốc từ năm 2018 đến 2021.
“Người Đức bị ràng buộc chặt chẽ với Trung Quốc, không chỉ về nguồn cung ứng mà còn về phía khách hàng”, Narayan của RBC cho biết.
Sở hữu ‘trái tim’ của xe điện, Trung Quốc sắp ‘thống trị’ cả ngành sản xuất ô tô của châu Âu