Các hãng đồ ăn nhanh Mỹ: Đua giảm giá để cùng chết?

Trung Mến |

Việc chủ chuỗi hạ mạnh giá bán hàng sẽ có thể khiến lợi nhuận của các nhà hàng giảm sâu hơn nữa, tồi tệ hơn có thể khiến họ phá sản.

Theo chủ ba nhà hàng thuộc Subway, ông Keith Miller, một chiếc bánh kẹp sandwich có giá cao hơn tổng giá trị của những loại nguyên liệu và chi phí để làm ra nó.

Chỉ riêng nguyên liệu đã có giá đến 2USD. Ngoài ra là chi phí nhân công, điện, gas, mặt bằng, giao dịch ngân hàng, và rất nhiều chi phí khác.

Tính tổng các loại chi phí trên, sẽ tốn không dưới 4USD để sản xuất một chiếc bánh sandwich Subway.

Chính vì thế, khi chủ chuỗi nhà hàng này thông báo sẽ bán bánh sandwich ở mức giá 4,99USD bắt đầu từ tháng 1/2018, ông Miller và ông chủ của 10 nghìn nhà hàng khác trên khắp nước Mỹ đang lo ngại họ sẽ phá sản, theo nội dung bài báo mới được Washington Post đăng tải.

Nhiều chủ kinh doanh mặt hàng đồ ăn nhanh trên khắp nước Mỹ đang giảm giá để có thể giúp tăng doanh số bán hàng. Tuy nhiên cũng trong bối cảnh đó, căng thẳng giữa chủ các thương hiệu và chủ các nhà hàng kinh doanh nhượng quyền cũng tăng cao hơn.

Đã nhiều năm nay, ngành bán lẻ Mỹ chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa những công ty lớn, họ giữ giá thấp, bằng mọi giá giữ chân khách hàng nhưng cùng lúc đó vắt kiệt các nhà cung cấp và những đối thủ nhỏ hơn.

Tuy nhiên trong ngành kinh doanh đồ ăn nhanh, mục tiêu giữ giá thấp tạo ra nhiều căng thẳng giữa các chủ doanh nghiệp và chủ các nhà hàng kinh doanh nhượng quyền hoạt động dưới chung một thương hiệu.

Chủ doanh nghiệp chắc chắn cần có được doanh thu năm sau cao hơn năm trước để làm hài lòng thành viên ban quản trị và cổ đông. Cùng lúc đó, những nhà kinh doanh cửa hàng nhượng quyền lại quan tâm nhiều hơn đến lợi nhuận của cửa hàng họ.

Giữa các chuỗi kinh doanh đồ ăn nhanh khác nhau cũng tồn tại cuộc cạnh tranh gắt gao. Để cạnh tranh với chiếc bánh 5USD của Subway, McDonald cũng chọn đưa ra thực đơn mới từ tháng tới. Taco Bell cũng tuyên bố sẽ bổ sung thêm danh mục hàng hóa giảm giá, nhiều chuỗi kinh doanh đồ ăn nhanh khác cũng làm tương tự.

Trong nội bộ các chuỗi kinh doanh đồ ăn nhanh luôn tồn tại xung đột, đó chính là mâu thuẫn khó giải quyết giữa chủ doanh nghiệp và chủ các nhà hàng nhượng quyền. Và có những doanh nghiệp giải quyết vấn đề này tốt hơn doanh nghiệp khác, theo khẳng định của luật sư tại công ty luật Dady & Gardner, ông Michael Dady.

Cho đến nay, những bất bình nội bộ Subway có thể coi như câu chuyện điển hình cho những lùm xùm trên.

Cuối tháng 11/2017, chủ các nhà hàng trong chuỗi bắt đầu ký giấy vận động Subway không đưa vào bán loại bánh sandwich giá 5USD nói trên với lý do nó sẽ ảnh hưởng xấu đến công việc kinh doanh của họ.

Khi kinh doanh nhà hàng theo chuỗi, chủ chuỗi sẽ quản lý menu đồ ăn, nguồn gốc sản phẩm, thiết kế quầy hàng và chiến lược kinh doanh tại khắp các địa điểm. Những nhà kinh doanh địa phương sẽ tự quản lý hoạt động hàng ngày của cửa hàng bao gồm chi phí thuê nhà, nguyên liệu, thiết bị, tiền bảo trì bảo dưỡng, nhân công, rồi phần còn lại mới đến lợi nhuận thu về.

Việc chủ chuỗi hạ mạnh giá bán hàng sẽ có thể khiến lợi nhuận của các nhà hàng giảm sâu hơn nữa.

Cho đến hiện tại, hơn 900 chủ nhà hàng tại 39 bang của Mỹ đã ký giấy đề nghị Subway không bán loại bánh 5USD nói trên.

Trên thực tế, trong lịch sử ngành kinh doanh đồ ăn nhanh của Mỹ, hiếm khi các chủ nhà hàng phản đối mạnh mẽ như vậy. Vụ việc lùm xùm gần đây nhất liên quan đến chủ các nhà hàng kinh doanh đồ ăn nhanh chính là việc chủ một số nhà hàng của Burger King tuyên bố họ đang thiệt hại tài chính khi chủ chuỗi quyết định bạn bánh cheeseburger giá 1USD.

Trong một tuyên bố của mình, Subway khẳng định hoạt động ký giấy đề nghị trên không phản ánh quan điểm của phần đông chủ các nhà hàng thuộc Subway và rằng những chủ kinh doanh nào không chịu thực thi chính sách mới của hãng sẽ phải hứng chịu sự tẩy chay của khách hàng.

Subway có lý giải riêng của hãng cho việc bán bánh sandwich giá 5USD. Theo đó, đại diện hãng khẳng định chương trình bán bánh sandwich giá khuyến mại là để tăng số lượng khách đến cửa hàng, trước đó, số lượng khách đến cửa hàng đã giảm không ngừng trong suốt vài năm.

Theo nhiều chủ kinh doanh nhà hàng thuộc chuỗi Subway, nỗ lực tăng doanh số bán hàng của Subway đang được đưa ra không đúng thời điểm, không đúng cách.

Chủ kinh doanh một nhà hàng cho biết ông đã mua lại quyền kinh doanh nhà hàng Subway đầu tiên cách đây 28 năm, khi đó tỷ suất lợi nhuận của ông thu về lên đến 18%. Tuy nhiên, từ đó đến nay, cạnh tranh ngày một khốc liệt hơn, chi phí lao động, thiết bị và điện nước đồng loạt tăng chóng mặt.

Khi chính phủ Mỹ điều chỉnh nâng mức lương tối thiểu của người lao động, đồng thời tình trạng thiếu lao động tay nghề khiến các hàng phải giành nhau để có nhân viên tốt khiến mức lương lao động ngày một tăng chóng mặt, theo tính toán của công ty tư vấn tài chính BDO.

Trong khi đó, ngành kinh doanh nhà hàng đang ngày một khó khăn hơn. Từ năm 2009 đến năm 2014, nước Mỹ có thêm gần 18 nghìn nhà hàng kinh doanh đồ ăn nhanh, tốc độ tăng trưởng của số lượng nhà hàng ăn nhanh tại Mỹ cao gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng dân số Mỹ.

Không chỉ có vậy, việc cạnh tranh kinh doanh mặt hàng đồ ăn nhanh giờ đây không chỉ giới hạn trong các công ty chuyên kinh doanh đồ ăn nhanh. 

Nhiều chuỗi nhà hàng truyền thống khác ví như Panera, công ty vận chuyển GrubHub và công ty kinh doanh thực phẩm Blue Apron cũng đang có nhiều kế hoạch rất táo bạo để thâm nhập vào thị trường đồ ăn nhanh.

Trong bối cảnh này, hoạt động kinh doanh đồ ăn nhanh tại Mỹ sẽ ngày một khó khăn hơn, cuộc chiến sinh tồn sẽ chỉ để lại những công ty biết mang lại lợi ích cho cả cổ đông và các đối tác nhượng quyền.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại