Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thái tử Saudi Arab Mohammed bin Salman gặp nhau tại Cung điện Al Salman khi ông Biden đến Jeddah tháng 7/2022. Ảnh: Reuters
Theo đài truyền hình CNN, Saudi Arab và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) gần đây đã kêu gọi hỗ trợ an ninh nhiều hơn từ Washington. Cả hai đều nhấn mạnh trong một thế giới ngày càng đa cực, lựa chọn của họ không chỉ giới hạn đối với Mỹ.
“Người Mỹ không muốn thấy Saudi Arab chuyển vũ khí từ Mỹ sang nơi khác”, Thái tử Saudi Arab Mohammed bin Salman (MBS) nói với người dẫn chương trình Bret Baier trên đài Fox News trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước.
Cùng thời điểm, Anwar Gargash, cố vấn ngoại giao của Tổng thống UAE, đã mô tả sự can dự của Mỹ vào Trung Đông là một điều tích cực, nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố sự hiện diện đó để không bị sót khoảng trống và tạo cơ hội cho người chơi khác tiến vào. Tại một hội nghị ở New York, cố vấn Anwar Gargash kêu gọi giữa hai bên cần một thỏa thuận an ninh “cứng rắn” mới.
Yêu cầu về một thỏa thuận chính thức nhằm mang lại cho các quốc gia vùng Vịnh một chiếc “ô” an ninh và ràng buộc Mỹ bảo vệ họ trước các cuộc tấn công quân sự đã trở thành một phần thiết yếu trong mối quan hệ giữa các quốc gia này với Washington.
Trong vài năm trở lại đây, các quốc gia vùng Vịnh đã phải đối mặt với các cuộc tấn công mà họ đổ trách nhiệm cho Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này, đồng thời nhận ra rằng phản ứng của Mỹ là chưa thỏa đáng.
Ali Shihabi, một nhà phân tích Saudi Arab làm việc Viện Hoover, một tổ chức tư vấn chính sách công Đại học Stanford, viết trong một bài bình luận: “Một cam kết an ninh thực chất của Mỹ mới ngăn cản được tham vọng của các đối thủ khác nhằm lật đổ vị thế của Washington trong khu vực. Nếu Mỹ muốn tận dụng tối đa khả năng của mình với Saudi Arab để triển khai sức mạnh quân sự vào khu vực, nước này cần phải tái triển khai khả năng răn đe bằng cách biến việc triển khai sức mạnh đó trở nên hữu hình và đáng tin cậy”.
Một hiệp ước an ninh là trọng tâm trong các cuộc đàm phán của Saudi Arab với Washington về khả năng bình thường hóa quan hệ với Israel. Một khi đạt được, thỏa thuận này sẽ đánh dấu một chiến thắng chính sách đối ngoại quan trọng của Tổng thống Joe Biden trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024.
Tháng trước, Thái tử Saudi Arab Mohammed bin Salman lần đầu tiên công khai thừa nhận các cuộc đàm phán bình thường hóa, nói rằng đất nước của ông đang tiến gần hơn trong việc đạt được thỏa thuận với Israel.
Hiện các cuộc thảo luận về thỏa thuận an ninh tiềm năng vẫn chưa được công khai, nhưng các chuyên gia đã đưa ra một số ý tưởng, từ hiệp ước công nhận an ninh vùng Vịnh là một phần lợi ích quốc gia của Mỹ, đến việc tuyên bố các quốc gia vùng Vịnh là đồng minh chính của Mỹ ngoài NATO, hay một cam kết an ninh chính thức từ Mỹ tương tự những cam kết trước đó Mỹ đã hình thành với các đồng minh châu . Vào những năm 1950, Mỹ ký hiệp ước phòng thủ với Tokyo và Seoul, cam kết bảo vệ hai quốc gia này trong trường hợp bị tấn công vũ trang. Cả hai quốc gia đều có sự hiện diện quân sự khá lớn của Mỹ và cũng được hưởng tư cách “đồng minh lớn ngoài NATO” (MNNA).
Trong số các quốc gia vùng Vịnh, Bahrain, nơi đặt Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ, là quốc gia đầu tiên được tuyên bố là MNNA vào năm 2002. Qatar, nơi đặt trụ sở của Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, đã được thêm vào danh sách này vào năm ngoái.
Jean-Loup Samaan, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Trung Đông thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết Saudi Arab và UAE có thể yêu cầu một hiệp ước toàn diện, tương tự như hiệp ước đã ký với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Nhà nghiên cứu gợi ý Washington có thể tiếp cận việc bán vũ khí và tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Saudi Arab và UAE tương đương với sự hiện diện ở Qatar hoặc Bahrain.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Mỹ có cam kết thực hiện một hiệp ước yêu cầu nước này phải bảo vệ các quốc gia vùng Vịnh trong trường hợp bị tấn công hay không.
David Des Roches, cựu quan chức Lầu Năm Góc từng làm việc ở Trung Đông, cho biết: “Điều này chỉ có thể được thực hiện thông qua một hiệp ước được Thượng viện phê chuẩn. Trong trường hợp không có bước đột phá thực sự, chẳng hạn như việc Saudi Arab công nhận Israel, thật khó để thấy chính quyền Tổng thống Biden đưa ra bất kỳ hiệp ước nào trước Thượng viện”.
Theo cựu quan chức này, mặc dù tổng thống có thể đưa ra một số nhượng bộ mà không cần sự phê chuẩn của Thượng viện, nhưng điều đó sẽ không đáp ứng được yêu cầu của các quốc gia vùng Vịnh.