Các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc bị ghẻ lạnh trên thị trường nợ quốc tế, đứng trước nguy cơ vỡ nợ hàng loạt

Thu Hương |

Các banker và nhà đầu tư đều nhận định tình hình sẽ chỉ xấu đi nếu như Bắc Kinh không can thiệp.

Sau khi cuộc khủng hoảng tại China Evergrande làm dấy lên nỗi lo sợ về kịch bản vỡ nợ dây chuyền trong lĩnh vực bất động sản của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, các công ty bất động sản khác của Trung Quốc đã rơi vào cảnh gần như không thể tiếp cận với thị trường trái phiếu quốc tế. Điều này gây ra tác động không nhỏ bởi Trung Quốc là động lực quan trọng của thị trường nợ châu Á.

Chỉ có duy nhất 1 công ty có thể huy động được vốn từ nhà đầu tư trái phiếu quốc tế kể từ khi tập đoàn bất động sản nặng nợ nhất thế giới Evergrande bỏ lỡ thời hạn thanh toán 83,5 triệu USD tiền lãi trái phiếu hồi tháng trước và khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo.

Theo Financial Times, công ty đó là Helenbergh China Holdings, bán được lô trái phiếu trị giá 102 triệu USD. Tuy nhiên điều đó không giúp ích được gì cho tình trạng thiếu vốn trầm trọng của các công ty bất động sản vốn sử dụng tỷ lệ đòn bẩy rất cao. Dữ liệu từ Dealogic cho thấy lượng phát hành trái phiếu USD có lợi suất cao giảm 28% so với 1 năm trước.

Các banker và nhà đầu tư đều nhận định tình hình sẽ chỉ xấu đi nếu như Bắc Kinh không can thiệp.

"Thị trường thực sự ảm đạm", 1 banker phụ trách mảng trái phiếu tại 1 ngân hàng ở châu Âu nhận định. Ông ước tính rằng khoảng 1/3 trong số 60 công ty bất động sản Trung Quốc hiện đang có bị nợ trái phiếu bằng USD quá hạn sẽ phải chịu kết cục buồn là vĩnh viễn bị loại khỏi thị trường vốn quốc tế.

Người này bổ sung thêm rằng mặc dù từ nhiều tháng trước nhà đầu tư đã đoán trước được việc Evergrande sẽ không trả nợ đúng hạn, sự kiện nhà phát triển bất động sản cao cấp Fantasia bất ngờ vỡ nợ tuần trước mới là "cú sốc thực sự đối với thị trường".

Tuần này, lợi suất của chỉ số theo dõi các doanh nghiệp Trung Quốc phát hành trái phiếu trên thị trường trái phiếu rác châu Á đã tăng vọt lên mức 24%, so với mức 10% trong tháng 6. Nguyên nhân là những lo ngại rủi ro sẽ lây lan ra toàn bộ hệ thống.

Các chuyên gia phân tích tại Fitch Ratings ước tính tổng cộng dư nợ trái phiếu xuyên biên giới trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc là 232 tỷ USD tính đến cuối tháng 9. 1/3 trong số đó sẽ đến hạn thanh toán trước cuối năm 2022. Trong quý III, chi phí huy động vốn mà các nhà phát hành châu Á phải chịu đã tăng vọt do những tin tức tiêu cực về Evergrande.

"Các nhà đầu tư quốc tế đã quen với việc Trung Quốc can thiệp mạnh mẽ hơn vào thị trường. Họ đang mong chờ cú đấm kung fu nhưng những gì Trung Quốc đang làm chỉ nhẹ nhàng như thái cực quyền", 1 banker cấp cao nói.

Do đó những người trong ngành nhận định tình hình sẽ ngay lập tức cải thiện nếu như Trung Quốc đưa ra các chính sách hỗ trợ và khuyến khích cho vay bất động sản. 1 nhà quản lý quỹ ở Hong Kong nhận định nguy cơ rủi ro lây lan sẽ buộc các nhà hoạch định chính sách phải sớm hành động. "Tình trạng hiện nay có thể kéo dài 1 tháng, nhưng sẽ không thể đến 3-4 tháng. Nếu chặn nguồn vốn cấp cho lĩnh vực bất động sản quá lâu, hệ thống ngân hàng sẽ đứng trước nhiều rủi ro".

1 công ty bất động sản khác là Sinic hôm đầu tuần cũng thông báo nhiều khả năng sẽ vỡ nợ trái phiếu vào tuần tới.

Evergrande đã lỡ hẹn 5 khoản thanh toán cho các trái chủ nước ngoài. Kirkland & Ellis và Moelis, các cố vấn cho những trái chủ, cho biết họ "không nhận được sự hợp tác có ý nghĩa nào" từ Evergrande.

Nếu bị cô lập khỏi thị trường vốn quốc tế, các công ty bất động sản Trung Quốc sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm ra nguồn vốn mới trong bối cảnh đã bị các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đồng loạt hạ mức xếp hạng.

Tham khảo Financial Times


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại