Các đỉnh vàng trong 5 năm gần đây: Từ khởi sắc sau đà tụt giảm đến bật tăng mạnh mẽ, xô đổ mọi kỷ lục

Lam Anh |

Đến 2023, thị trường vàng đã và đang chứng kiến những đợt tăng giá điên loạn, xô đổ mọi kỷ lục để chạm tới ngưỡng đắt nhất mọi thời đại.

Có lẽ chưa bao giờ, vàng trở thành chủ đề nóng, được người ta bàn tán xôn xao, theo dõi sát sao như thời điểm hiện tại. Trong suốt 5 năm qua, giá vàng liên tục "nhảy múa" và đang có những động thái tăng không ngừng kể từ sau đợt giảm đột ngột ở cả thị trường trong nước lẫn quốc tế vào năm 2018.

Cùng nhìn lại các đỉnh giá vàng trong 1 nửa thập kỷ vừa qua để có thể đánh giá tiềm năng thị trường vàng trong thời gian sắp tới ra sao nhé!

Giá vàng từ năm 2019 - 2023

Năm 2018, giá vàng đột ngột giảm cả ở trong nước và quốc tế. Giá vàng thế giới giảm sâu vào quý III/2018, còn giá vàng trong nước ổn định hơn nhất là vàng SJC.

Về cơ bản, trong năm 2018, thị trường vàng trong nước khá yên ắng, không có nhiều biến động. Giá vàng ổn định ở mức khoảng 34 triệu đồng/lượng. Vàng không còn là kênh đầu tư hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư trong nước.

Tuy vậy, đến đầu tháng 12, giá vàng có dấu hiệu tăng nhẹ. Kể từ đợt tăng nhẹ này, giá vàng trong giai đoạn từ 2019 - 2023 đã liên tục bứt phá, tăng trưởng mạnh mẽ.

Các đỉnh vàng trong 5 năm gần đây: Từ khởi sắc sau đà tụt giảm đến bật tăng mạnh mẽ, xô đổ mọi kỷ lục- Ảnh 1.

1. Đỉnh giá vàng năm 2019: 42.75 triệu đồng/lượng

Năm 2019, giá vàng tăng 16% so với năm 2018.

Vào cuối năm, giá vàng neo ở mức cao nhất trong năm, với 43.03 triệu đồng/lượng, chốt phiên giao dịch cuối cùng ở mức 42.75 triệu đồng/lượng.

2. Đỉnh giá vàng năm 2020: 60.32 triệu đồng/lượng

Giá vàng tăng nhanh, tăng liên tục, đạt đỉnh vào ngày 09/08 ở mức 60.32 triệu đồng/lượng tại thị trường Việt Nam. Giá vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới rất nhiều, giá mua vào cao hơn 4 triệu đồng/lượng và giá bán ra cao hơn 2 triệu đồng/lượng.

Cuối năm, giá vàng có giảm nhưng chỉ ở mức rất nhẹ.

Sở dĩ thị trường vàng xảy ra biến động này được các chuyên gia đánh giá là do dịch bệnh COVID-19 bắt đầu hoành hành, giá vàng bị ảnh hưởng rất nhiều từ dịch bệnh, các yếu tố chính trị, xã hội cũng như nền kinh tế trên toàn cầu. Giá trị tiền tệ giảm khiến người dân đổ xô mua vàng để tìm nơi trú ẩn cho tài sản của mình.

3. Đỉnh giá vàng năm 2021: 61 triệu đồng/lượng

Giá vàng trong năm 2021 biến động liên tục, vô cùng thất thường. Chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới là một khoảng cách rất lớn, lên đến 12 triệu đồng/lượng.

Trong tuần đầu tiên của năm, giá vàng ở mức 57.32 triệu đồng/lượng, đến cuối năm, giá vàng tăng lên ở mức 61 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, bình quân giá vàng trong năm 2021 giảm khoảng 6 triệu đồng/lượng.

Theo các chuyên gia, sự biến động thất thường của thị trường vàng trong năm 2021 là hậu quả của rất nhiều yếu tố bao gồm: dịch bệnh, lạm phát, chính sách tiền tệ của các NHTW. Đồng thời, giá vàng cũng chịu tác động trong sự thay đổi của đồng USD, do đồng USD có tăng giá trên 7% so với các đồng tiền dự trữ khác.

3. Đỉnh giá vàng năm 2022: Trên 74 triệu đồng/lượng

Năm 2022 chứng kiến biến động hơn 20% từ đỉnh đến đáy của giá vàng thế giới, khi kim loại quý này tưởng như đã có một môi trường không thể hoàn hảo hơn để tăng giá, nhưng rồi cuối cùng đã không giữ được thành quả. Trong nước, dấu ấn của thị trường vàng năm qua là mức giá cao nhất mọi thời đại và chênh lệch lớn chưa từng thấy với giá quốc tế.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, giá vàng tăng 6.5%. Trong tháng 09/2022, giá vàng giảm khoảng 0.9% so với giá của tháng 8, nhưng vẫn tăng 5.87% svck năm 2021.

Cụ thể, giá vàng miếng SJC khởi động năm 2022 ở mức 61,7 triệu đồng/lượng cho chiều bán ra. Với lực đẩy mạnh từ giá vàng thế giới, giá vàng miếng SJC đã lập kỷ lục trên 74 triệu đồng/lượng vào đầu tháng 3 - đồng nghĩa tăng 12,3 triệu đồng/lượng, tương đương tăng gần 20% chỉ trong vòng hơn 2 tháng.

Thậm chí, giá vàng trong nước còn bứt phá mạnh hơn giá vàng thế giới, thể hiện qua chênh lệch giữa giá vàng trong nước - quốc tế kéo giãn rộng. Ở thời điểm giá kỷ lục, giá vàng miếng SJC bán lẻ cao hơn giá vàng thế giới khoảng 20 triệu đồng/lượng - một mức chênh lớn chưa từng thấy trong lịch sử.

Mức đáy của giá vàng miếng trong nước năm 2022 là mốc 62,5 triệu đồng/lượng ghi nhận hồi tháng 7. Cuối năm, giá vàng miếng SJC bán lẻ dao động quanh ngưỡng 67 triệu đồng/lượng tăng gần 9% so với đầu năm và cao hơn trên 15 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới quy đổi.

Theo Tổng cục thống kê, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Cuối tháng 09/2022, giá vàng thế giới đạt 1,787.59 USD/ounce, tăng khoảng 3.2% so với mức giá của tháng trước đó.

5. Đỉnh giá vàng năm 2023: 77 triệu đồng/lượng

Các đỉnh vàng trong 5 năm gần đây: Từ khởi sắc sau đà tụt giảm đến bật tăng mạnh mẽ, xô đổ mọi kỷ lục- Ảnh 2.

Biểu đồ giá vàng năm 2023. (Ảnh: topi)

Năm 2023, giá vàng trong nước sau khi tăng liên tục trong tháng 1/2023, có lúc vượt 69 triệu đồng/lượng thì đã giảm và dao động trong phạm vi hẹp trên dưới 67 triệu đồng/lượng trong suốt hơn 5 tháng, từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 7.

Song, đến những tháng cuối năm 2023 đã ghi nhận sự tăng tốc đáng kinh ngạc của giá vàng tại thị trường Việt Nam. Ngày 22/12/2023, giá vàng miếng SJC vọt lên sát 77 triệu đồng/lượng, cao nhất lịch sử, xô đổ kỷ lục 74 triệu đồng đã từng lập tháng 3/2022.

Tính chung cả năm, giá vàng miếng SJC tăng 9,4 triệu đồng/lượng. Cụ thể, từ 67,4 triệu (ngày 15/1/2023) đã tăng lên mức 76 triệu đồng/lượng vào sáng 22/12. Trong khi đó, giá vàng nhẫn cũng tăng tương ứng 8,05 triệu đồng/lượng, từ 55,05 triệu đồng/lượng lên 63,1 triệu đồng/lượng.

Nhìn chung, mặc dù nhận định giá vàng có thể sẽ tiếp tục tăng do chịu chi phối bởi nhiều yếu tố nhưng tình hình biến động liên tục, thường xuyên lên nhanh nhưng cũng xuống rất nhanh nên các chuyên gia vẫn cảnh báo không dành cho những nhà đầu tư không chuyên. Đồng thời nên tỉnh táo khi lựa chọn đầu tư.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại