Ngành du lịch dịp lễ này chắc hẳn được mùa khi du khách kéo đến các bãi biển, khu vui chơi đông nghẹt.
Thế nhưng, nếu như Vũng Tàu đã thay đổi thấy rõ sau lệnh cấm bán hàng rong, ăn nhậu trên bãi biển thì rất nhiều nơi khác lại rất bầy hầy, nhếch nhác.
Ngày càng tệ
Chiều 3-5, trên bãi biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa), các túi ni-lông đựng đồ nằm vương vãi khắp nơi. Chỉ một cơn gió thoảng qua, bụi kèm theo rác thải bay tứ tung.
Dọc bờ biển, rác chất đống nhiều ngày bốc mùi hôi thối khiến người đi qua phải bịt mũi nín thở.
Toàn tuyến bãi biển khoảng 3-5 km phủ kín bèo tây lẫn với vỏ quả dừa do khách uống xong ném xuống biển, rồi sóng lại đánh dạt vào bờ.
Những cánh rừng phi lao nằm sâu trên bờ cũng ngập những rác, vỏ bánh kẹo, vỏ hoa quả...
Anh Vũ Công Định, một du khách đến từ Hà Nội, cho biết đây là năm thứ 2 anh đưa vợ con về Hải Tiến nghỉ dưỡng.
Lần nào anh cũng thấy khó chịu vì các nhà hàng và du khách xả rác khắp nơi. Một bãi biển đẹp tràn ngập rác, năm sau còn dơ bẩn hơn năm trước.
Không chỉ ở Thanh Hóa mà nhiều bãi biển khác tại Nam Định như Quất Lâm, huyện Giao Thủy và Thịnh Long, huyện Hải Hậu..., rác thải cũng ê hề.
Rất nhiều du khách đã tỏ ra ngao ngán trước tình cảnh này. Họ đã chụp hàng loạt ảnh đăng lên mạng xã hội để lên án hành động xả rác vô ý thức của các du khách khác.
Trong khi đó, vào các tối trong dịp lễ vừa qua, ở chợ đêm Đà Lạt (Lâm Đồng), rác cũng ngập lối, chất thành đống giữa đường Nguyễn Thị Minh Khai và quanh tượng đài Phụ nữ Đà Lạt.
Trời mưa cộng rác thải nên càng khiến điểm đến của du khách này nhầy nhụa.
Anh Nguyễn Khánh Hoàng, họa sĩ ký họa chân dung ở chợ đêm Đà Lạt, tỏ ra thất vọng khi chứng kiến nhiều du khách thản nhiên xả rác bừa bãi khắp nơi. “Hình như họ không bận tâm, không thấy ngượng vì chuyện đó” - anh bức xúc.
Đại diện Công ty CP Dịch vụ đô thị Đà Lạt cho biết dịp lễ vừa qua, lượng rác thải toàn TP đã tăng lên ít nhất gấp 5 lần so với ngày thường.
“Ý thức giữ gìn vệ sinh chung để góp phần cùng địa phương xây dựng hình ảnh Đà Lạt sạch sẽ, thân thiện của không ít du khách rất tệ” - vị lãnh đạo công ty này bất bình.
Nhiều người cho rằng để có được bãi biển sạch đẹp như Vũng Tàu trong dịp lễ vừa qua, cách ứng xử của người dân và du khách là một chuyện nhưng giải pháp của địa phương mới mang tính quyết định.
Thực tế, bãi biển Diễn Thành (tỉnh Nghệ An) đã như bãi tập kết rác, bãi biển Đồi Dương (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) cũng tràn ngập rác sau khi nhiều nhóm du khách đến ăn nhậu trên biển... nhưng chẳng thấy ai nhắc nhở.
Trắng đêm dọn dẹp
Huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) dịp lễ năm nay đón khoảng 7.000 du khách.
Tại những địa điểm du lịch khá nổi tiếng như Chùa Hang, cổng Tò Vò, Giếng Tiền, núi Thới Lới…, vẫn còn tình trạng một số du khách xả rác bừa bãi và các nhân viên môi trường chỉ còn biết tổ chức thu gom.
Ông Nguyễn Đình Dục, Chánh Văn phòng UBND huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), khẳng định bãi biển Hải Tiến chưa có khu xử lý rác thải nên huyện giao cho một tổ chuyên đi thu gom và chuyển đi nơi khác xử lý.
Tuy nhiên, do du khách quá đông cộng với việc biển cứ động là bèo ở cửa sông lại tràn vào bờ nên xử lý không xuể. Huyện đã thành lập một tổ khoảng 40 người đi thu gom rác.
Trước mắt, huyện yêu cầu bờ biển đi qua địa phận doanh nghiệp nào thì đơn vị đó phải có trách nhiệm thu gom, xử lý.
Tại TP Đà Lạt, những ngày lễ, công nhân vệ sinh môi trường buộc phải làm việc vất vả cả ngày lẫn đêm.
Riêng khu vực chợ đêm Đà Lạt, vào khoảng 23 giờ 30 phút hằng đêm, khi du khách thưa dần cũng là lúc hàng chục công nhân vệ sinh phải thức trắng đêm quét dọn.
“Cứ vào dịp lễ thế này, công nhân chúng tôi làm việc trắng đêm, rất mệt. Buồn hơn cả là rác thải cứ tăng dần theo từng năm, năm sau lại nhiều hơn năm trước.
Điều đó cho thấy ý thức giữ gìn vệ sinh chung chưa được nhiều du khách quan tâm…” - chị Hương, một công nhân dọn dẹp vệ sinh, nhận xét.
Công ty CP Môi trường đô thị TP Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết trong các ngày lễ, lượng rác thải của TP khoảng 400 tấn, tăng 5-10 tấn/ngày so ngày thường. Công ty có 4 đội thu gom rác thải.
Dịp này, các đội hầu như phải tăng cường 100% cũng như điều thêm nhiều chuyến xe để thu gom rác thải. Vào lúc 23 giờ, công ty cử các chuyến xe cào rác dọc bãi biển đến rạng sáng hôm sau mới kết thúc.
Ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang, nhấn mạnh từ lâu, TP đã quy định cấm buôn bán hàng rong, cấm tổ chức ăn uống.
Nha Trang cũng đã lắp đặt dọc bãi biển nội quy, hệ thống loa truyền thanh để nhắc nhở du khách và người dân tuân thủ các quy định bằng 3 thứ tiếng; đồng thời cử 8 đội thanh niên xung kích thường xuyên nhắc nhở.
Thế nhưng, những nỗ lực này chưa chuyển biến được ý thức giữ vệ sinh chung của một số du khách và người dân.
Mất cắp trong khách sạn
Ngày 30-4, anh Đặng Thanh Tùng (SN 1981, đến từ Hà Nội) cùng gia đình tới biển Hải Tiến nghỉ mát và thuê phòng tại khách sạn Bình Minh.
Sau khi ra biển tắm, lúc về phòng, anh phát hiện 1 điện thoại iPhone 6 Plus và 1 triệu đồng để trong phòng không cánh mà bay.
Cũng vào thời điểm trên, nhiều du khách nghỉ ở các phòng 319, 320, 327, 312 và 424 của khách sạn này cũng bị mất cắp nhiều tài sản.
Ông Phạm Văn Trung, quản lý khách sạn Bình Minh, xác nhận có việc du khách báo mất đồ ở khách sạn. “Việc này nằm ngoài khả năng của khách sạn vì khách đi tắm biển không gửi chìa khóa và đồ có giá trị cho lễ tân theo quy định.
Tuy nhiên, không phải vì quy định đó mà chúng tôi thiếu trách nhiệm đối với du khách” - ông Trung nói.