Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết các công ty lấy lý do thời điểm hiện tại chưa thích hợp – tình trạng bất ổn tại Hồng Kông chưa có dấu hiệu sẽ kết thúc. Bà không nêu danh tính công ty.
Theo Đặc khu trưởng Lâm: “Tổ chức chiến dịch xây dựng lại danh tiếng có lẽ không phải cách thức sử dụng nguồn lực chính quyền hiệu quả nhất. Tuy nhiên sớm muộn rồi chúng ta cũng phải làm, vì tôi tin vào những giá trị cơ bản của Hồng Kông. Thời điểm thích hợp sẽ đến”.
Hồng Kông chìm trong bất ổn suốt gần 4 tháng qua. Danh tiếng của đặc khu bị tổn hại không chỉ bởi biểu tình đòi rút bỏ dự luật dẫn độ (nay diễn biến thành đòi hỏi dân chủ đầy đủ) mà còn do giới chức đặc khu phản ứng với khủng hoảng quá chậm chạp.
Vài ngày sau khi biểu tình bùng nổ, đặc khu trưởng Lâm chỉ quyết định tạm hoãn xem xét dự luật dẫn độ chứ không rút bỏ. Đến đầu tháng 9 bà mới chấp nhận chính thức rút bỏ dự luật.
Nhượng bộ này dường như vẫn chưa đủ sức xoa dịu vì còn tới 4 trong 5 yêu cầu từ phía lực lượng biểu tình: mở cuộc điều tra độc lập về hành động trấn áp của cảnh sát; ngừng mô tả các cuộc biểu tình là bạo loạn; không buộc tội những người bị bắt và nối lại cải cách chính trị.
Nền kinh tế đặc khu đang đối mặt nguy cơ suy thoái đầu tiên sau nhiều năm. Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi hoạt động biểu tình, lượng khách du lịch sụt giảm, Fitch hạ mức xếp hạng nhà phát hành nợ ngoại tệ dài hạn của Hồng Kông từ AA+ xuống AA với hướng tiêu cực.