Việt Nam hội tụ nhiều điều kiện để hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bứt phá
Mới đây, trong khuôn khổ Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 và Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã diễn ra Hội thảo "Doanh nghiệp và thế hệ trẻ trước làn sóng công nghệ AI và công nghệ bán dẫn".
Tại Hội thảo, Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Việt Nam đang ở thời điểm hết sức quan trọng, khi chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 đã xác định 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, và phát triển nguồn nhân lực gắn với cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; thúc đẩy phát triển dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và giá trị văn hóa con người Việt Nam.
"Theo đó, Việt Nam tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế", lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội thảo
Trong số đó, điểm nhấn hướng vào thúc đẩy hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo với các quốc gia, nền kinh tế phát triển thế giới. Điều này được thực hiện thông qua việc mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác bán dẫn, trí tuệ nhân tạo uy tín trên thế giới.
Trên thực tế, Việt Nam đã hình thành được một hệ sinh thái bán dẫn, trí tuệ nhân tạo có quy mô lớn trong khu vực với sự tham gia của Google, Meta, NVIDIA, AMD, Qualcomm, Intel, Amkor, Hana Micron, LAM Research, Marvell, Cadence, Synopsys, Qorvo, Ampere, Infineon và rất nhiều doanh nghiệp công nghệ cao trong ngành điện tử.
"Việt Nam đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.
Meta, Nvidia, Qualcomm… sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam nắm bắt cơ hội từ các xu hướng công nghệ
Chia sẻ với báo chí, Ngài Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách Đối ngoại Toàn cầu, Tập đoàn Meta cho hay đơn vị này cam kết hỗ trợ tầm nhìn dài hạn của Việt Nam trong việc đưa AI trở thành trụ cột chính của nền kinh tế số. Thông qua hợp tác với Chính phủ Việt Nam, Meta mong đợi những cơ hội mới sẽ tiếp tục mở ra trong tương lai.
"Chúng tôi cam kết hỗ trợ Việt Nam có vị thế dẫn đầu về kinh tế số thông qua sáng kiến Công nghiệp 4.0 của Chính phủ. Thông qua việc mở ra các cơ hội tăng trưởng và cung cấp các sản phẩm đổi mới, Meta hướng đến mục tiêu đóng góp cho sự thịnh vượng của kinh tế đất nước và tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trong thời đại kỹ thuật số", ông Nick Clegg nói.
Buổi gặp gỡ cùng báo chí của Ngài Nick Clegg trong khuôn khổ Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024
Lãnh đạo Tập đoàn Meta nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về việc sử dụng phương thức kinh doanh hội thoại để giao tiếp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng trên khắp cả nước.
Theo đó, Ngài Nick Clegg thông tin, từ năm 2025, Tập đoàn công nghệ Meta (Hoa Kỳ) sẽ mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo hỗn hợp Quest 3S tại Việt Nam. Kế hoạch mở rộng dự kiến sẽ tạo ra tới 1.000 việc làm và đóng góp hàng triệu USD cho nền kinh tế Việt Nam.
"Việc lựa chọn Việt Nam là nơi để sản xuất thiết bị Quest 3S cho thấy chúng tôi tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam ở hiện tại và cả tương lai, cùng với đó là sự tin tưởng vào môi trường đầu tư tại Việt Nam, trong đó có chính sách thu hút doanh nghiệp nước ngoài từ Chính phủ", Chủ tịch Nick Clegg cho biết.
Thiết bị Quest 3S được giới thiệu tại gian hàng của Meta trong khuôn khổ sự kiện
Bên cạnh đó, kế hoạch đầu tư của Meta tại Việt Nam cũng mở rộng sang lĩnh vực đổi mới AI. Là một phần trong chiến lược Al toàn cầu, Meta sẽ sớm triển khai thử nghiệm Meta Al bằng tiếng Việt, cho phép các công cụ Al của Meta có thể tiếp cận người dùng bằng ngôn ngữ địa phương.
Theo tiết lộ của ông Nick Clegg, ứng dụng Al dành cho doanh nghiệp trên Messenger đã được thử nghiệm tại Việt Nam từ tháng 6/2024 và sẽ chính thức ra mắt vào cuối năm nay.
Ngài Nick Clegg cho biết ứng dụng Al dành cho doanh nghiệp trên Messenger sẽ chính thức ra mắt vào cuối năm nay
Không chỉ có lãnh đạo Meta, hàng loạt lãnh đạo của các tập đoàn lớn như Qualcomm, Intel, Nvidia cũng đã có bài trình bày tại Hội thảo. Cụ thể, theo chia sẻ của bà Becky Fraser, Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ Chính phủ, Tập đoàn Qualcomm, các chính sách có tư duy tiến bộ của Chính phủ Việt Nam, cùng với sự thương mại hóa và ứng dụng AI, đang góp phần đáng kể vào quá trình chuyển đổi số của quốc gia này.
"Trong hơn 20 năm qua, Qualcomm là đối tác tận tâm trong quá trình chuyển đổi số của Việt Nam, khi đất nước liên tục đổi mới, nâng cấp và số hóa", bà Becky Fraser nói.
Đặc biệt, lãnh đạo Qualcomm nhấn mạnh, Qualcomm đã tập trung chuyển giao công nghệ, đặc biệt là các công nghệ mà liên quan tới AI tại các thiết bị mà Qualcomm đã làm việc tại Việt Nam.
Đối với Nvidia, theo chia sẻ của TS. Ettikan Karuppiah, Giám đốc/Chuyên gia công nghệ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn Nvidia, để có thể hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển các giải pháp GenAI nội địa hướng đến toàn cầu, Tập đoàn Nvidia đã giới thiệu chi tiết về chương trình phát triển toàn diện dành cho các nhà phát triển phần mềm tại Việt Nam, được thiết kế với mục tiêu nâng cao năng lực kỹ thuật, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và kết nối cộng đồng phát triển phần mềm trong nước.
Đại diện nhiều tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn có mặt tại Hội thảo "Doanh nghiệp và thế hệ trẻ trước làn sóng công nghệ AI và công nghệ bán dẫn"
Cụ thể, đối với doanh nghiệp, chương trình của Nvidia sẽ cung cấp các dịch vụ tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ phát triển sản phẩm, đào tạo chuyên sâu về các công nghệ cụ thể, và hỗ trợ tiếp thị sản phẩm.
Đặc biệt, Nvidia có các hỗ trợ khởi nghiệp thông qua các chương trình ươm mầm, cung cấp tài chính, hỗ trợ kỹ thuật, kết nối với các nhà đầu tư.
"Mục tiêu chung của chương trình là nâng cao trình độ kỹ thuật của đội ngũ phát triển phần mềm Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm phần mềm Made in Vietnam", Giám đốc/Chuyên gia công nghệ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn Nvidia khẳng định.