Các bang chiến trường phản ứng quyết liệt với đơn kiện của Texas

Cao Lực |

Bốn bang chiến trường bị bang Texas kiện nhằm đảo ngược thất bại bầu cử của Tổng thống Donald Trump hôm 10-12 phản ứng mạnh mẽ lên Tòa án Tối cao Mỹ. Hiện vẫn chưa rõ khi nào Tòa án Tối cao Mỹ sẽ có quyết định về việc nhận hay không nhận thụ lý vụ kiện.

Tổng chưởng lý Pennsylvania Jose Shapiro. Ảnh: AP

Tổng chưởng lý Pennsylvania Jose Shapiro. Ảnh: AP

Đơn phản hồi của Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin được đệ trình một ngày sau khi Tổng thống Trump yêu cầu Tòa án Tối cao Mỹ để ông tham gia vụ kiện của Texas nhằm hủy hiệu lực hàng triệu phiếu bầu ở 4 bang chiến trường nêu trên.

"Nỗ lực của bang Texas nhằm yêu cầu Tòa án Tối cao Mỹ lựa chọn tổng thống tiếp theo là không có cơ sở pháp lý hay thực tế. Tòa án Tối cao Mỹ không nên nghe theo sự lạm dụng đầy tham vọng này đối với quy trình pháp lý. Thay vào đó, nên gửi một tín hiệu rõ ràng và không nhầm lẫn rằng những sự lạm dụng như vậy không bao giờ được lặp lại" – Tổng chưởng lý Pennsylvania Jose Shapiro nhấn mạnh.

Tổng chưởng lý Michigan Dana Nessel cũng phản ứng quyết liệt với đơn kiện của Texas, viết rằng "cuộc bầu cử ở Michigan đã kết thúc… Vụ kiện là một thách thức pháp lý chưa từng có, được triển khai dù không có cơ sở thực tế hoặc pháp lý hợp lệ".

Ông Josh Kaul, tổng chưởng lý Wisconsin, mô tả đơn kiện của Texas là "một sự can thiệp bất thường đối với bầu cử ở Wisconsin và các bang khác, vốn là nhiệm vụ mà Hiến pháp giao cho mỗi bang". Tương tự, Tổng chưởng lý Georgia Chirs Carr khẳng định Texas không có quyền thách thức sự tuân thủ của Georgia đối với luật bầu cử của riêng họ.

Trước đó, trong lá đơn gửi lên Tòa án Tối cao Mỹ, Tổng thống Trump yêu cầu cơ quan này can thiệp vụ tố tụng của Texas, lập luận rằng: "Đất nước của chúng ta đang chia rẽ sâu sắc theo những cách thức chưa từng thấy kể từ cuộc bầu cử 1860. Sự nghi ngờ giữa các bên đang rất cao, cộng thêm sự thật rằng trong cuộc bầu cử tổng thống mới diễn ra, giới chức bầu cử ở các bang chiến trường then chốt, dường như vì lợi ích đảng phái, đã không tuân thủ luật bầu cử bang trong lúc tổ chức các cuộc bầu cử ở bang của họ".

Các bang chiến trường phản ứng quyết liệt với đơn kiện của Texas - Ảnh 1.

Tổng chưởng lý Texas Ken Paxton khẳng định các bang Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin "vi hiến" khi thay đổi thủ tục bỏ phiếu để mở rộng hình thức bỏ phiếu qua thư. Ảnh: Reuters

Đơn kiện của Texas còn nhận được sự ủng hộ của 18 bang khác và hơn 100 thượng nghị sĩ Cộng hòa, bao gồm Chủ tịch Ủy ban Chính sách đảng Cộng hòa Gary Palmer.

Dù vậy, nỗ lực pháp lý của họ cũng vấp phải sự chỉ trích nặng nề. Bên cạnh Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin, hơn 20 bang khác cùng thủ đô Washington DC. đã kêu gọi Tòa án Tối cao Mỹ bác bỏ đơn kiện của Texas.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại