Ca sĩ Hà Thanh Xuân: "Không có đức tin, con người khổ lắm"

Mạnh Trinh - Ảnh Trần Huy Hoan |

Theo ca sĩ Hà Thanh Xuân thì sống phải có đức tin vì nếu không có đức tin sẽ rất buồn và khổ.

6 năm sau khi rời Việt Nam, Hà Thanh Xuân trở lại và chuẩn bị hát trên quê hương lần đầu tiên trong liveshow của ca sĩ đàn anh Mạnh Quỳnh.

Cô ca sĩ có gương mặt được nhiều người ở hải ngoại so sánh với cố nghệ sĩ Thanh Nga dành cho chúng tôi một buổi trao đổi cởi mở trong thời gian chuẩn bị cho chương trình.


Ca sĩ Hà Thanh Xuân.

Ca sĩ Hà Thanh Xuân.

Xuân có thấy việc lập danh ở nước ngoài dễ hơn ở Việt Nam?

Tôi nghĩ việc nổi tiếng, được khán giả yêu mến không phụ thuộc vào việc nghệ sĩ ở trong hay ngoài nước. Tất cả chỉ là một chữ duyên. Có những người hát rất hay, rất có hồn, không hiểu sao chẳng thể nổi được.

Chính bản thân tôi cũng tìm được sự yêu thương của khán giả dựa vào chữ duyên ấy. Khi đặt chân sang Mỹ, tôi chưa biết mình sẽ phải làm gì. Nhưng rồi mọi thứ đến rất tự nhiên. Nhiều khán giả thích tôi vì thấy tôi giống cố nghệ sĩ Thanh Nga.

Không ít người hỏi tôi có phải là con gái hay bà con gì với cô Thanh Nga hay không. Rồi từ chỗ yêu mến hình tượng của cô Thanh Nga, họ chú ý và thích luôn cả tôi. Tôi cho đấy là một cái duyên vậy.

Vậy việc sinh hoạt văn nghệ trong và ngoài nước có gì khác nhau?

Văn nghệ ở nước ngoài không nhộn nhịp như ở Việt Nam. Mọi thứ diễn ra nhẹ nhàng và thoải mái lắm. Sự cạnh tranh ở Việt Nam lớn hơn, nghệ sĩ trong nước lao động vất vả hơn, có khi quần quật suốt cả tuần.

Ở nước ngoài, nghệ sĩ chỉ đi show vào mỗi cuối tuần. Ngày thường khán giả đi làm, mà chính ban nhạc cũng phải đi làm nghề chính của họ.

Những người nhạc công này họ chơi nhạc là vì đam mê nhiều hơn là một nghề nghiệp nghiêm túc để kiếm sống.

Sau 6 năm xa quê hương, đây sẽ là lần đầu tiên cô biểu diễn tại Việt Nam?

Đúng vậy. Và đây cũng là một cái duyên. Trong một lần đi diễn cùng với anh Mạnh Quỳnh ở Đức, tôi được biết anh sắp về Việt Nam làm show. Anh Quỳnh rủ tôi về hát trong show với ảnh cho vui.

Tôi ngạc nhiên lắm, hỏi lại theo phản xạ: "Sao về được anh?". Rồi anh trả lời: "Sao lại không được?".

Thế là anh Quỳnh lo giấy phép cũng như tất cả mọi thứ cho tôi. Tôi thấy rất vui vì cái duyên nó đến với mình tự nhiên như thế. Tôi cũng háo hức được hát tại quê hương.

Tôi biết anh Quỳnh rất tâm đắc với show này, anh nói làm show lần này không phải vì tiền mà vì muốn kỷ niệm quãng đời đi hát của mình.

Tôi được biết có không ít những mạnh thường quân sẵn sàng rót tiền để show lớn hơn, hấp dẫn hơn, nhưng anh Quỳnh từ chối cả.

Anh ấy muốn làm show bằng chính sức lực của mình. Điều ấy khiến tôi càng khâm phục anh hơn nữa, bên cạnh một giọng ca mà tôi đã ngưỡng mộ từ khi còn bé.

Cô nói rất nhiều về chữ duyên, vậy cô có tin vào tổ nghiệp?

Đã làm ngành giải trí, sân khấu thì phải tin thôi. Có những người họ lên sân khấu bình thường, có những người lại sáng trưng là vì sao? Con người sống phải có đức tin. Không có đức tin, người ta buồn và khổ lắm. Vậy tin gì? Tin ở chính mình.

Tổ ở đây chính là đức tin của mỗi con người. Tổ ở trong lòng họ, là sự cam kết của họ với nghề nghiệp. Bản thân tôi trước khi vào show diễn cũng đều cầu xin may mắn từ tổ, và tôi cũng khấn cô Thanh Nga nữa.

Lần nào về nước tôi cũng đến viếng mộ của cô, tôi có niềm tin là chỉ cần tôi sống tốt, cô sẽ luôn để tay lên vai tôi và nói: "Con hãy cứ bước đi, cô sẽ ở cạnh con".

Hãy đến với dòng nhạc mà cả Xuân và Mạnh Quỳnh đều theo đuổi: bolero. Đang có một trào lưu hát bolero, từ trong nước ra hải ngoại, người ta không chỉ hát bolero mà còn tổ chức những chương trình truyền hình với chủ đề bolero.

Một số ý kiến trong nước cho rằng bolero đang kéo lùi thị hiếu nghe nhạc của khán giả. Xuân nghĩ gì về nhận xét này.

Tôi không thể chia sẻ quan điểm ấy. Không phải vì tôi hát mà tôi bảo vệ. Thị hiếu âm nhạc tùy thuộc vào sự hưởng thụ của mỗi người, mà sự hưởng thụ ấy mỗi người lại khác nhau.

Có những người trẻ tuổi bên nước ngoài, tiếp xúc với biết bao luồng âm nhạc khác nhau, nhưng họ vẫn nghe và vẫn thích bolero.

Huống chi bolero là một loại nhạc mang bản sắc người Việt. Việc gameshow về bolero xuất hiện nhiều cho thấy đấy là một nhu cầu có thật của thị trường. Khán giả thích gì thì người làm chương trình đáp ứng thứ ấy.

Mà nếu những chương trình tìm được những gương mặt mới có thể duy trì được dòng nhạc thì thì càng tốt thôi, vì tôi cho dòng nhác ấy cần được duy trì và bảo tồn. Tất nhiên cái gì nhiều quá cũng có thể tạo ra hiệu ứng ngược.

Theo Xuân thì điều gì làm nên sức sống của bolero sau chừng ấy thời gian?

Đơn giản là nó quá hay thôi, từ giai điệu cho đến tiết tấu. Và bolero là tiếng hát tâm sự, như kể chuyện cho nhau nghe vậy.

Đấy là lý do vì sao cô Hoàng Oanh hay cô Thanh Tuyền dù đã lớn tuổi nhưng vẫn hát và hát rất hay. Hai cô nhả câu nào ra là mình nghe... phê câu đó. Hát như nói mà nói như hát, không dùng sức nhiều.

Nghĩa là càng đơn giản chừng nào thì hay chừng đó?

Lúc đầu, tôi cứ nghĩ bolero là phải buồn bã, quằn quại. Nhưng sau này tôi mới biết như vậy là sai. Bolero thì càng mộc mạc, càng tự nhiên lại càng tốt. Điều quan trọng nhất là phải truyền tải được cái hồn đến khán giả.

Nhạc có thể chênh một hai nốt, nhưng cái hồn đã có thì những sai sót nhỏ ấy cũng không còn là vấn đề nữa.

Cô Hoàng Oanh còn dạy tôi: khi hát thì không chỉ có miệng mình hát mà phải để cho toàn bộ cơ thể mình hát nữa. Nếu như chỉ tập trung vào việc hát sao cho hay, cho đúng thì không bao giờ ra được cái chất của bài hát.

Một người tiền bối trong nghề nói với tôi: "Ca sĩ là gì em biết không? Là người bán linh hồn của mình".

Đạt giải cao trong cuộc thi tiếng hát truyền hình, nhưng lại chọn một giòng nhạc dễ viết, dễ hát, dễ nghe. Cô có nghĩ mình đã đưa ra một lựa chọn an toàn?

Tôi không biết như thế nào là an toàn hay nguy hiểm. Còn trẻ thì thích cái gì là làm thôi. Tôi đến với bolero có thể trước tiên là vì ba mẹ mình thích, nghe nhiều nên thích theo.

Rồi tôi lại thích mặc áo dài. Tôi mê áo dài kinh khủng, tủ đồ của tôi toàn là áo dài thôi. Tôi cảm thấy tự tin khi lên sân khấu với một tà áo dài, nét mặt và dáng vóc của tôi cũng phù hợp. Rồi khán giả nhìn thấy tôi như thế, nghe tôi hát như thế thì yêu thương tôi.

Tôi thấy mình rất may mắn vì nhận được tình cảm lớn như thế. Show đã lên lịch đến cuối năm rồi. Lần này về Việt Nam, tôi phải từ chối không ít ở bên đó, nhưng phải chấp nhận chứ đâu thể vẹn toàn mọi thứ được.

Cô có nghĩ hát bolero dễ không?

Không đâu, khó lắm. Dễ mà khó. Tôi chưa bao giờ ngưng tập luyện và trau dồi. Những người xưa hát, cách... thở của họ thôi cũng đã thấy hay rồi. Nhưng nghe thấy hay thế, tưởng như đơn giản mà không đơn giản chút nào. Tôi thích cô Hoàng Oanh vô cùng.

Theo quan điểm của tôi thì cô là người hát bolero hay nhất Việt Nam. Nhưng để học theo hay bắt chước thì không cách gì làm được. Tôi chỉ cố hát theo cách của một người trẻ hát bolero, rất may là điều đó được chấp nhận.

Trong lần đầu tiên hát trở lại ở Việt Nam, em có chờ đợi điều gì không?

Không, tôi chỉ muốn tận hưởng buổi biểu diễn hôm đó mà thôi. Tôi không chịu áp lực gì mà chỉ muốn... bay ra sân khấu mà hát ngay thôi.

Tôi nôn nóng gặp khán giả và hát cho họ nghe. Cuộc sống ở đây và ở nước ngoài có khác nhau mấy đi nữa thì sân khấu đều giống nhau cả.

Vẫn là ánh đèn ấy, vẫn là ca sĩ, và vẫn là khán giả. Tất cả những gì người ca sĩ chờ đợi là sự đón nhận của khán giả, dù ở bên này hay bên kia.

Vậy mà còn hơn một tuần nữa, lâu quá!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại