Những ai thường xuyên theo dõi nhóm hài Khánh Nam do cố nghệ sĩ Khánh Nam làm trưởng nhóm sẽ ấn tượng với lối diễn đa dạng của Tiết Duy Hòa. Những ai thường xem truyền hình cũng ấn tượng với anh qua các vai phản diện độc đáo, cùng giọng bolero rất trữ tình.
Những người bạn nghề hiểu rõ cuộc đời Tiết Duy Hòa đều nể phục trước niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng trong anh. Bất chấp thử thách, vượt qua sự thiếu thốn về vật chất, anh vẫn sống trọn vẹn với nghề đúng như câu nói về đời nghệ sĩ "đã là kiếp tằm thì phải nhả tơ".
Gia đình phá sản
Cha của Tiết Duy Hòa là một người kinh doanh phụ tùng xe nổi tiếng tại Châu Đốc. Vào cuối thập niên 1980 đầu 1990, ông có nhà lầu, xe hơi, tiền bạc dồi dào.
Lúc ấy, Tiết Duy Hòa sống cuộc đời công tử sung túc đúng nghĩa. Vì cha muốn Duy Hòa nối nghiệp kinh doanh nên dạy dỗ con trai rất cẩn thận. Thế nhưng tâm hồn Duy Hòa chỉ dành cho ca hát.
Khởi đầu, Duy Hòa hát cho phong trào ở địa phương. Được đánh giá có giọng hát tốt, phong cách trình diễn sôi động, anh được tuyển vào làm ca sĩ cho Trung tâm văn hóa thị xã Châu Đốc năm 1994. Công việc mua bán phụ tùng được trao đổi bằng vàng. Chuyện làm ăn đang suôn sẻ thì có một lần, khách hàng quỵt gia đình Duy Hòa một số vàng rất lớn, rồi trốn mất.
Gia đình anh phải bán nhà, bán xe để trang trải. Gia đình phá sản, Duy Hòa ngồi lại với cha mẹ để tìm cách tháo gỡ nhưng bế tắc. Toàn bộ gia đình chuyển về sinh sống tại miếng đất hương hỏa tại một huyện vùng ven giáp biên giới Campuchia, riêng Duy Hòa vẫn bám trụ lại Châu Đốc để tiếp tục công việc của một ca sĩ.
Tiết Duy Hòa đang phiêu trong cuộc thi Tình bolero 2019.
Phương tiện đi lại của Duy Hòa lúc đó là chiếc xe đạp cũ. Nếu hát tại trung tâm, anh tranh thủ đi bộ tới điểm hát. Gặp đám tiệc mời hát xa nơi ở chừng 10, 15 cây số, anh đạp xe lọc cọc đến nơi. Dù người ướt đẫm mồ hôi nhưng khi lên sân khấu anh vẫn cháy hết mình.
Tiết Duy Hòa nhớ lại: "Tiền lương ca sĩ trung tâm văn hóa thị xã lúc đó là 120.000 đồng. Muốn có miếng ăn nuôi nghề, tôi phải chạy show bên ngoài. Ai mời hát đám nào tôi cũng hát. Thiếu thốn vậy mà ngoài hát vẫn say mê tập và diễn kịch".
Duy Hòa muốn gắn bó với thị xã quê hương lâu hơn, nhưng vì môi trường hoạt động nghệ thuật bị hạn chế, anh đầu quân về đoàn Ca múa nhạc tổng hợp tỉnh An Giang năm 1999. Lúc này, tiền lương của anh chỉ 350.000 đồng/ tháng. Để có cái ăn đủ sức giữ lửa nghề, Duy Hòa đi hát đám cưới và hát lô tô tận Cà Mau và các tỉnh lân cận.
Để không bị lỡ việc của đoàn, dù hát xa tận đâu, anh cũng phải tranh thủ quay về. Tiết Duy Hòa kể: "Để đủ tiền duy trì giấc mơ nghệ thuật, tôi nhận show hát lô-tô khắp các tỉnh. Với chiếc xe wave cà tàng, tôi chạy từ Long Xuyên về Cà Mau hát.
Có hôm hát show tận Tiền Giang xa 200 km, vậy mà lúc 4 giờ chiều từ Long Xuyên chạy qua Tiền Giang hát xong hơn 11 giờ đêm, phải chạy xuyên đêm ngược về Long Xuyên để không lỡ việc của đoàn vào hôm sau.
Trong lúc chạy xe, mệt quá tôi ngủ gật. Giật mình tỉnh dậy thấy xe chạy sát mép đường, hên thế nào không bị tai nạn".
Gia nhập đời sống nghệ thuật Sài Gòn
Năm 2010, Tiết Duy Hòa lên Sài Gòn tham gia Liên hoan sân khấu hài toàn thành do nghệ sỹ Phước Sang phối hợp Nhà văn hóa Thanh Niên tổ chức.
Anh đoạt giải nhất diễn viên và biên kịch cùng một giải bạc diễn viên. Cuộc thi đã tạo duyên cho Duy Hòa kết thân với cố danh hài Khánh Nam.
Năm 2012, Tiết Duy Hòa quay lại Sài Gòn học hệ cao đẳng Trường đại học sân khấu & điện ảnh TPHCM. Lúc này, để có tiền ăn học Duy Hòa làm bồi bàn cafe với mức lương 10.000 đồng/ 1 tiếng. Nghe tin này, nghệ sĩ Khánh Nam kêu Duy Hòa tham gia nhóm kịch hài của anh. Nhờ tiền đi diễn hài mà Duy Hòa trang trải đủ chi phí đến khi học xong.
Tiết Duy Hòa cùng Ngọc Trinh trong một tiểu phẩm gameshow
Nghệ sĩ Khánh Nam qua đời, Duy Hòa quay về Long Xuyên thành lập sân khấu kịch Đời cười. Đây là sân khấu kịch chuyên nghiệp đầu tiên tại miền Tây. Duy Hòa đã bán miếng đất được nhà nước cấp, bán chiếc xe gắn máy để làm vốn đầu tư. Kịch Đời cười thu hút được khán giả, gây tiếng vang đặc biệt tại miền Tây.
Tiết Duy Hòa bộc bạch: "Tôi quyết tâm xây dựng sân khấu kịch tại đây vì người miền Tây không có dịp về Sài Gòn sẽ không có cơ hội thưởng thức kịch nghệ thực thụ. Tôi muốn mang bữa ăn tinh thần lành mạnh về phục vụ cho vùng đất này".
Nhưng vì nhiều khó khăn khách quan sân khấu này đóng cửa, Duy Hòa trắng tay. Vậy mà anh vẫn không nguôi đam mê nghệ thuật.
Duy Hòa trở về Sài Gòn tiếp tục diễn kịch cafe, đi hát quán bar, tham gia vai nhỏ trong các phim truyền hình, và diễn tiểu phẩm gameshow.
Những người bạn nghề trẻ thấy Duy Hòa có kinh nghiệm làm kịch nên yêu cầu anh thành lập nhóm Đời cười Sài Gòn gồm có Võ Tấn Phát, Mai Tài Phến.
Tất cả thành viên háo hức cho hoạch định hoạt động lâu dài, thì người chủ cho thuê mặt bằng gây khó dễ. Tiền ít nên cả nhóm không thể tìm ra một mặt bằng nào khác vừa túi tiền, phù hợp với kịch. Thế là Đời cười Sài Gòn rã đám.
Lúc này, Tiết Duy Hòa đi đóng phim, ca hát và làm nhiều việc liên quan đến hậu trường sân khấu. Tiền bạc không dư dả nhưng mẹ của anh phát hiện lao phổi. Gia cảnh thiếu thốn, không ai chia sẻ, nên Duy Hòa nhận trách nhiệm nuôi mẹ.
Anh kiên trì suốt 9 tháng trời, vừa làm kiếm tiền vừa xoay sở cách chăm sóc cho mẹ. Nhờ sự chăm sóc cẩn thận, hiếu thuận của anh mà mẹ đã hồi phục. Duy Hòa lại mải miết với niềm đam mê của mình, cho dù, không biết tương lai sẽ thế nào.
Ca sĩ, diễn viên Tiết Duy Hòa.
Trong lần diễn cho tiểu phẩm "Nợ sữa" trong chương trình Kịch cùng bolero, Duy Hòa đóng vai ông lão và hát bài "Thói đời".
Lối diễn xuất chân thật và giọng hát trữ tình của Duy Hòa đã gây ấn tượng mạnh với giám khảo, đạo diễn – NSƯT Vũ Thành Vinh. Anh đã mời Duy Hòa tham gia cuộc thi Tình boleo 2019 phát sóng trên truyền hình Vĩnh Long.
25 năm cho một đam mê, Duy Hòa được nhiều khán giả biết đến nhưng vẫn chưa có chỗ đứng thật sự vững chãi trong ngôi làng nghệ thuật Việt.
Nhưng Duy Hòa chia sẻ: "Tôi xem cuộc thi Tình bolero 2019 là một bước ngoặt cuộc đời mình. Nếu tôi được vô sâu vòng trong, được bầu show mời hát nhiều, tôi vẫn gắn bó với đất Sài Gòn. Nếu tôi thất bại, tôi sẽ về quê tìm kế sinh nhai, nhưng vẫn tiếp tục đời nghệ sĩ tỉnh lẽ. Nhất định không bỏ nghề".