Cá "quái vật" mất đầu vẫn gặm nát được lon nước ngọt bằng nhôm: Quái thú phương nào mà "khủng" quá vậy?

J.D |

Dành cho những ai chưa biết, để bóp được một lon nước như thế cần lực tay rất lớn, hoặc phải có công cụ sắc nhọn đục vỡ thành lon. Vậy mà con cá này lại làm được. À đúng hơn là chỉ cần cái đầu của nó cũng làm được, vì trước đó con cá đáng thương đã bị các đầu bếp tách đầu lìa khỏi thân rồi.

Thế giới động vật vẫn vậy, luôn ẩn chứa những điều kỳ lạ mà chúng ta có thể chưa từng biết tới. Chẳng hạn như con cá trong video đang được cư dân mạng chia sẻ dữ dội thời gian gần đây.

Nội dung video là về cảnh một con cá nhai nát lon nước ngọt bằng nhôm chưa khui, vẫn còn đầy nước bên trong. Dành cho những ai chưa biết, để bóp được một lon nước như thế cần lực tay rất lớn, hoặc phải có công cụ sắc nhọn đục vỡ thành lon.

Vậy mà con cá này lại làm được. À đúng hơn là chỉ cần cái đầu của nó cũng làm được, vì trước đó con cá đáng thương đã bị các đầu bếp tách đầu lìa khỏi thân rồi.

Cá quái vật mất đầu vẫn gặm nát lon coke chưa khui

Được biết, đoạn video vốn được đăng tải trên YouTube từ tháng 1/2019, nhưng gần đây bất ngờ được chia sẻ dữ dội trên Reddit. Ban đầu, người đăng nó cho biết đây là một con "lươn sói" (wolf eel - Anarrhichthys ocellatus) - những sinh vật thực chất chẳng liên quan đến lươn hay sói, mà là một loài cá tên wolffish (cá sói). Chúng sở hữu thân mình dài, cùng hàm răng sắc nhọn đặc trưng nên mới mang cái tên như vậy.

Tuy nhiên sau khi đăng tải, các chuyên gia cho biết đây không phải là lươn sói, mà là một loài khác cùng họ wolffish mà thôi.

"Tôi có thể khẳng định đây là một con cá sói "chấm bi" (danh pháp:Anarhichas minor)," - trích lời giáo sư Björn Thrandur Björnsson, chủ nhiệm phòng thí nghiệm sinh học từ ĐH Gothenburg (Thụy Điển). Chúng sinh sống chủ yếu ở phía Bắc Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương, có thể dài tới 2m. Nhờ hàm răng sắc nhọn, thức ăn của chúng khá đa dạng, từ các loài giáp xác cho đến động vật có vỏ, cá và giun biển.

"Cá sói có phản xạ cắn cực nhanh, và các ngư dân biết điều đó. Vậy nên khi bắt được cá sói trong lưới, việc đầu tiên họ làm là đưa vào miệng nó một vật gì đó để cắn - chẳng hạn như cán chổi, trước khi gỡ nó ra khỏi lưới. Nếu chẳng may đưa tay vào bộ hàm ấy, đó sẽ là trải nghiệm không ai muốn gặp phải, vì nó chẳng nhả ra đâu."

"Đưa tay vào miệng cá sói, bàn tay bạn sẽ chịu chung số phận với lon nước kia."

Theo lời người đăng tải, con cá trong video có độc rất mạnh. Tuy nhiên theo giáo sư Björnsson thì thông tin này không chính xác, vì hiện tại chưa có loài cá sói nào sở hữu độc tính cả.

Nhưng tại sao cá mất đầu vẫn cắn nát được lon nước?

"Các thụ thể thần kinh được đặt trong hàm con cá. Khi có thứ gì đó lọt vào miệng, dây thần kinh thụ cảm sẽ chuyển tín hiệu đến não bộ, từ đây phát ra yêu cầu khiến miệng nó ngậm chặt lại." - giáo sư Björnsson lý giải.

"Với loài cá sói, chúng có bộ cơ hàm cực khỏe và hệ thần kinh cảm thụ cực nhạy, cho phép cắn gần như ngay lập tức khi có con mồi xuất hiện."

"Lý do phản xạ này vẫn còn tồn tại sau khi con cá mất đầu là vì chúng sống ở các vùng nước lạnh. Nhiệt độ thấp khiến các mô và cơ quan như não, dây thần kinh hay cơ bắp "sống" lâu hơn trong điều kiện thiếu oxy. Hơn nữa, cơ và dây thần kinh quanh hàm cũng không có tổn hại gì, nên phản xạ ấy vẫn xảy ra."

Giáo sư Björnsson cũng đưa ra trường hợp khác trong phòng thí nghiệm, đó là khi lấy tim của cá ra khỏi lồng ngực, quả tim ấy vẫn sẽ tiếp tục đập trong hàng giờ. Nhưng dẫu vậy, ông cũng không quên chỉ trích người đăng video vì đã lấy tính mạng động vật ra làm trò tiêu khiển.

Tham khảo: IFL Science 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại