Cà phê tứ ngộ tri

T.N |

Cà phê không đơn thuần là thức uống, mà chủ yếu là dưỡng chất tinh thần, là nghệ thuật sống, quan niệm sống, triết lý sống của mỗi bản thân, đi liền với cung cách thưởng lãm.

Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.

Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới - Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống của nhân loại để cà phê trở thành "Cà Phê Triết Đạo".

Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!

Người Nhật đã làm được!

Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!

Tính chất đặc trưng của văn hóa cà phê chính là thụ cảm và tận hưởng. Thụ cảm liên quan đến thuộc tính cà phê. Tận hưởng là không gian, thời gian, nhân giới bao quanh việc thưởng lãm cà phê. Nói cách khác, ngoài yếu tố vật thể, cà phê còn mang tính siêu vật thể, cung ứng các giá trị tạo tác nên lối sống, văn hóa cho người thụ đắc.

Nhận thức thực tại

Mục đích cuối cùng của thụ cảm cà phê là giúp con người đạt được tâm thức 4K: "Knowing the flavour, Knowing the savour, Knowing the transcendence, Knowing the immanence", theo cách nói của phương Đông nghĩa là tứ ngộ tri - bốn cái biết, bao gồm kiến tri kỳ hương, kiến tri kỳ vị, kiến tri kỳ linh và kiến tri kỳ huyền.

Cà phê tứ ngộ tri - Ảnh 2.

Kiến tri kỳ hương và kiến tri kỳ vị là nhận biết, đánh giá mùi hương, tiền vị lẫn hậu vị của cà phê, từ đó nhận ra được lai lịch, xuất xứ, cách sản xuất, cũng như cách rang xay và pha chế của sản phẩm. Đây là mức độ thiên về kỹ nghệ. Chỉ khi đạt đến kiến tri kỳ linh - theo ý cảm thấu được những khao khát, gửi gắm của những con người đã làm ra sản phẩm cà phê, nhập tâm của mình vào tâm của người. Và kiến tri kỳ huyền - theo hướng hiểu được chính chân tâm của mình từ ly cà phê mà mình đang thưởng thức thì mới đạt đến trình độ huyền kỳ ảo diệu của việc nhìn thấy rõ mình, vốn là mức ngộ kiến, ngộ tri theo cách tâm hoà tâm trong thiền phương Đông.

Đặc điểm cảm quan của cà phê thay đổi theo bí quyết pha trộn; nguồn địa lý; phương pháp rang; quá trình pha chế… Những biến thiên này ảnh hưởng đến trải nghiệm hương vị cà phê. Từ giác độ này, việc thụ hưởng tách cà phê phải viện đến quá trình thức tỉnh ngũ quan: khứu giác, thị giác, thính giác, xúc giác và vị giác.

Nhìn thể dạng hạt cà phê (nguyên, vỡ, mẻ…) liền nhận biết cách thu hái và quy trình sơ chế. Nhìn sắc hạt liền biết mức độ rang cà phê. Nhìn sắc nước có thể đánh giá vị cà phê, ví như: màu nâu hoe vị nhẹ, chua thắm mà đằm, ít đắng; màu nâu hổ phách vị nhẹ, chua thanh, thoảng vị đắng; màu nâu cánh gián khá hài hòa hai vị chua đắng; màu nâu trầm vị đắng nhiều, chua ít.

Ngửi hương cà phê liền rõ xuất xứ, danh tính cà phê. Cà phê ẩn hương trái cây hoang dã từ những bìa rừng châu Phi. Hương bơ và sô cô la từ những dãy núi mù sương châu Mỹ. Hương của khói, của đất, của thảo mộc là đặc trưng vùng cà phê châu Á,…

Cà phê tứ ngộ tri - Ảnh 3.

Lắng nghe âm thanh có thể thấu suốt cách thức pha chế cà phê cũng như công cụ dụng cụ được sử dụng. Tay chạm tách cà phê, quán triệt độ đậm đà, độ sánh của cà phê. Và thụ cảm cà phê thăng hoa toàn diện khi uống tách cà phê mà trực nhận căn cước lẫn diễn trình cà phê. Cà phê vốn chất chứa trong bản thân cả một lịch sử dài và đầy ắp tính đối lưu, tiếp biến sau nhiều cuộc gặp gỡ giữa các nền văn hóa. Từ vị cà phê có thể rạch ròi ngọn nguồn văn hóa, văn minh, thế giới cà phê. Ví như cà phê có vị rất mạnh và dày, dư vị rất lâu, dưới đáy tách có lớp bã mịn là bản sắc Văn minh cà phê Ottoman - được hình thành từ tâm thức thần thoại của con người, coi đời sống tinh thần là cái gốc của cà phê. Tách cà phê có crema thơm và đắng nhẹ đích thị là Văn minh cà phê Roman - nền văn minh cà phê đại diện của phương Tây, tiêu biểu cho thời đại ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và pha chế cà phê. Tách cà phê vị thanh tao cân bằng, hậu vị đắng nhẹ lưu luyến là đặc trưng Văn minh Cà phê Thiền - văn minh cà phê hội tụ triết lý của người phương Đông, được tạo nên từ sự tĩnh tại, rõ biết trong từng phút giây của con người để tỉnh thức, chiêm nghiệm và lĩnh hội tri thức nhân loại.

Thấu hiểu bản thân và tha nhân

Giác quan là phương tiện tiếp xúc và tri giác thực tại. Thưởng lãm cà phê không đơn thuần mang tính cảm nhận vật thể, con người chủ yếu cần đến cà phê như phương thức giúp mình phát lộ chân phương kiến tánh và thấu đạt ý nghĩa của sự sống để thăng hoa cuộc sống.

Bởi lẽ, cà phê không chỉ để uống, mà là để nhìn và mường tượng về những gì muốn được là, để nghe và hình dung về những gì muốn được có. Khi mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, thân xúc chạm thì ý thức sẽ hoài niệm cái đã qua và hướng vọng cái sẽ đến. Theo chiều kích này, thời gian, không gian và nhân giới cũng góp phần phát sinh tứ ngộ tri. Không gian hàng quán cà phê trở thành lúc và nơi cung ứng môi trường cho con người thấu đạt chân tâm từ ly cà phê mà mình thưởng thức. Hay nói cách khác, không gian hàng quán cà phê là không gian nghệ thuật – một nghệ thuật sống.

Cà phê tứ ngộ tri - Ảnh 4.

Ngay trong nội hàm của hàng quán cà phê đã thông diễn ở mức cao nhất những khao khát thời đại về triết lý sống, lối sống và phong cách sống. Đầu tiên là nhân tố tạo tác nên bản sắc hàng quán cà phê, để từ đó tác động đến cảm quan khách hàng. Nếu con người luôn sống trong "không gian được nhận thức" và "không gian tinh thần", thì "không gian được nhận thức" thông qua hình ảnh, âm thanh, biểu tượng để cơ cấu cảnh giới và thức tỉnh "không gian tinh thần". Thế cho nên, mỗi không gian hàng quán cà phê đều chọn cho mình một bản sắc riêng, hòa hợp với ước vọng chung của cộng đồng đối tượng khách hàng, hoặc giúp họ đạt đến mức gần nhất hình mẫu con người lý tưởng. Đây gọi là "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu".

Ví như, hàng quán cà phê Anh thiết lập như "Trường đại học một hào", thu hút những nhà khoa học thiên tài đóng vai trò quan trọng trong việc khởi sự cuộc cách mạng khoa học. Không gian hàng quán cà phê Viên (Áo) định hình là không gian văn hóa hồn người, hội tụ những nhân tài khao khát tìm lại bản chất và vai trò của con người trong thế giới quan, là nơi phát triển nhiều lý thuyết phân tâm học, tâm lý học. Những quán cà phê ở Montmartre, Montparnasse (Pháp) là không gian trình diễn nội tâm cũng như bản thể con người thông qua hội họa, ảnh hưởng lớn đến tư duy nghệ thuật của nhiều bậc thầy hội họa đương thời. Chuỗi không gian Trung Nguyên Legend Café, Trung Nguyên E-Coffee, Không gian Sáng Tạo, Cà phê Thứ Bảy, Bảo tàng Thế Giới Cà Phê, Làng cà phê Trung Nguyên… được mệnh danh là "Nơi hội tụ của những tâm hồn lớn". Nơi những người yêu cà phê thấu đạt sức mạnh tri thức toàn diện từ những cuốn sách quý trong tủ sách Nền Tảng Đổi Đời do Nhà sáng lập – Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tâm huyết tuyển chọn từ hàng triệu cuốn sách, hàng ngàn tấm gương danh vĩ nhân thành công của nhân loại. Nơi thay đổi tư duy, hun đúc khát vọng lớn, để mỗi cá nhân đạt đến thành công và hạnh phúc đích thực.

Cà phê tứ ngộ tri - Ảnh 5.

Nhân giới bao quanh việc thưởng lãm cà phê cũng là nhân tố thiết yếu. "Vật nhờ tâm mà thông, tâm nhờ vật mà hiện", điều tạo tác nên cái thần của cà phê phải là tâm tính, hồn người. Một tách cà phê có thể thức tỉnh hoài vọng chung của nhân sinh chính là tuyệt phẩm nghệ thuật của người pha chế. Bậc nghệ nhân cà phê tạo nên tuyệt phẩm nghệ thuật, ngoài phần tài trí thấu rành thuộc tính cà phê, còn có khả năng khơi dậy cho người thưởng lãm thấy được cái tâm của mình qua tách cà phê. Chỉ những người có tâm thiện lành mới có thể giúp người khác nhìn ra tính thiện của mình. Và, chỉ có những người đã sống đặng hạnh phúc mới có thể sẻ chia năng lượng hạnh phúc để giúp người khác hạnh phúc.

Theo đường hướng này, nội hàm cơ bản của tính siêu vật thể trong bản thể vật chất một tách cà phê trước hết là giúp con người cảm nhận sự cao thượng trong tâm hồn, nhìn ra tính nhân văn của đời sống để sống trọn vẹn với chính mình trong việc thấu thị ý nghĩa cuộc sống, chuyển hóa tâm thức – tâm thế bản thân. Từ đấy, cà phê không chỉ là cà phê, cốt lõi của cà phê chính là một nghệ thuật sống, triết lý sống.

Cà phê tứ ngộ tri - Ảnh 6.

Đón đọc kỳ sau: Hương vị cà phê trong nhân giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại