Thông tin từ Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho hay, tính đến thời điểm hiện tại đơn vị đã nhận đơn của gần 50.000 người đăng ký hiến tạng sau chết/chết não, trong khi vào năm 2014 con số này chỉ vỏn vẹn "200 người".
Vài năm trở lại đây, những câu chuyện về việc đăng ký hiến mô tạng đã tạo nên hiệu ứng tích cực trong cộng đồng. Điển hình như câu chuyện của gia đình chị Nguyễn Phương Anh được chia sẻ trên mạng xã hội mới đây. Không chỉ riêng một mà cả gia đình chị Phương Anh gồm nhiều thế hệ, sau khi bàn bạc đã đưa đến quyết định cùng "đăng ký hiến tạng".
Thẻ đăng ký hiến tạng của cả gia đình chị Phương Anh
Gia đình chị Phương Anh đều biết đến thông tin về việc đăng ký hiến tạng
"Chúng tôi cùng một dòng máu, có cùng một sứ mệnh"
Vốn là một gia đình có truyền thống theo đuổi sự nghiệp nhân văn, gia đình chị Nguyễn Phương Anh (SN1987, TP.HCM) hầu như đều biết đến thông tin đăng ký hiến mô tạng, tuy nhiên theo chị Phương Anh việc cả gia đình quyết định đăng ký hiến tạng cùng nhau là một điều gây bất ngờ giữa các thành viên.
"Đầu tiên là cả gia đình mình đều xem bộ phim Hospital Playlist và thấy rất cảm động, cũng biết nhiều hơn về việc hiến tạng thông qua bộ phim.
Bà ngoại mình khi trẻ làm y tá cho Viện Truyền Máu Huyết Học ở đường Hùng Vương. Dì mình (Phương Thanh) khi còn trẻ cũng làm y tá ở Bệnh viện Nhi Đồng. Mẹ mình (Phương Khanh) cũng làm giáo viên mấy chục năm, vừa về hưu thôi. Mình và em họ (Phương Anh và Phương Thảo) cũng đang đi theo hướng giáo dục, tâm lý và chữa lành, giúp đỡ thế hệ trẻ về các vấn đề trong cuộc sống và sự nghiệp. Em gái mình (Phương Ngọc) thỉnh thoảng cũng đi dạy ở các trường đại học.
Nói chung, việc cả nhà mình cùng chung ý tưởng hiến tạng, nghe qua thì có vẻ kỳ lạ nhưng nghĩ kỹ lại thì thấy có vẻ như mọi người đều đã có cùng một sứ mệnh, chảy cùng một dòng máu cả rồi", chị Phương Anh cho hay.
Theo chị Phương Anh, sau khi một thành viên trong gia đình "khơi mào" về đăng ký hiến tạng thì cả gia đình mới "vỡ lẽ" một điều rằng những người còn lại đều có nguyện vọng giống nhau từ em gái đến dì, mẹ và cuối cùng thành viên lớn tuổi nhất là bà ngoại.
"Cả nhà làm thủ tục cùng lúc, chẳng ai thuyết phục ai cả. Người “mở miệng khơi mào” trước tiên là cô em họ của mình (Phương Thảo). Sau khi Thảo thông báo rằng muốn hiến tạng, cả nhà mới hay rằng ai cũng đã nghĩ qua rồi và ai cũng muốn làm hết, thế nhưng chưa thực hiện thôi. Thảo cũng là người đứng ra sắp xếp việc nộp đơn và nhận thẻ cho cả gia đình.", chị Phương Anh nói.
Đại diện gia đình chia sẻ quan điểm về việc này, chị Nguyễn Phương Anh cho biết: "Cả nhà đều nghĩ rằng, chết là hết. Thế nên việc sau khi chết mà vẫn giúp được cho người khác là việc rất đáng quý, nên làm. Việc hiến tạng cũng là một nghĩa cử nhân văn, nên được lan tỏa hơn nữa trong một xã hội văn minh. Sau khi mình chia sẻ xong mới biết, hóa ra bạn bè mình cũng có nhiều người đã đăng ký hiến tạng từ trước luôn rồi. Mình cảm thấy rất vui vì điều đó.".
Cũng theo chia sẻ của chị Phương Anh, kể từ thời điểm đăng ký hiến tạng về, cả đình chị dường như "cẩn trọng" với sức khoẻ của mình hơn: "Gia đình mình vốn ăn uống lành mạnh từ trước rồi, rất thích ăn chay và rau củ, trái cây, hầu như không uống rượu bia. Sau khi đăng ký hiến tạng thì mình cũng chăm chỉ tập yoga hơn nữa, để sau này người khác "dùng" cho tốt (cười).".
5 trong số 6 người trong gia đình chị Phương Anh đăng ký hiến tạng
"Tương lai tươi đẹp hơn sẽ đến, còn ngay lúc này, chúng mình sẽ làm mọi thứ để hiện tại là phiên bản tốt nhất"
Mặc dù việc hiến tạng được biết đến rộng rãi nhưng không phải ai cũng có đủ can đảm để đi đăng ký và thông báo cho gia đình về quyết định này. Tại Việt Nam, hiến tạng thời gian đầu còn rất hạn chế bởi vì quan niệm "chết toàn thây". Tuy nhiên, quan niệm này dường như cũng không còn là vấn đề bởi kể từ ca ghép tạng đầu tiên từ năm 1992 đến nay, các bác sỹ Việt Nam đã thực hiện được 6.500 ca ghép tạng trên toàn quốc và chắc chắn con số ấy sẽ còn tăng khi người đăng ký hiến tạng mỗi lúc một nhiều.
"Cá nhân mình hiểu rằng việc hiến tạng cũng chỉ là một mảnh ghép của bức tranh tổng thể lớn hơn, đa chiều hơn. Có thể trong tương lai, y học sẽ phát triển vượt bậc, con người có thể không cần hiến tạng nữa.
Chị Nguyễn Phương Anh
Hoặc cũng có thể, hiến tạng còn đi kèm với nhiều khía cạnh khác của xã hội. Tuy nhiên, chúng ta sống trên đời chính là vì khoảnh khắc ở hiện tại, chẳng phải sao? Ngay lúc này, mình có thể làm gì, giúp được ai? Ngay lúc này, việc gì là ý nghĩa với mình, với gia đình, với xã hội? Nhiều khi mình chỉ cần nghĩ đơn giản như vậy thôi, rồi làm theo những gì mình tin tưởng.
Tương lai tươi đẹp hơn sẽ đến, còn ngay lúc này, chúng mình sẽ làm mọi thứ để thực tại là phiên bản tốt đẹp nhất mà mình có thể chạm đến", chị Phương Anh nói.
Cuối cùng, gửi lời nhắn của mình đến cộng đồng, chị Nguyễn Phương Anh cho hay: "Có nhiều khi bạn muốn làm một việc gì đó mà bạn tin tưởng tuy nhiên còn ngần ngại, thì bạn cứ hãy can đảm mà làm. Như gia đình mình nè, nếu không nói ra, không ai nghĩ rằng hóa ra những người khác đều có chung suy nghĩ.
Chỉ cần đó là việc làm tốt, giúp ích cho bản thân, cho xã hội và làm cho bạn hạnh phúc, thì bạn cứ làm. Chúng mình tin rằng mọi hành động xuất phát từ trái tim, từ tình yêu thương thì đều sẽ gặt hái yêu thương."