Ca Covid-19 nặng có thể “đánh lừa” hệ miễn dịch, các biến thể dễ lây trong không khí hơn

Kiều Anh |

Theo Reuters, một số nghiên cứu gần đây cho thấy các ca Covid-19 nặng có thể "đánh lừa" hệ miễn dịch để sản sinh ra các kháng thể tự miễn có thể tấn công vào các tế bào khỏe mạnh, đồng thời nhận định, các biến thể ngày càng dễ lây trong không khí so với chủng virus ban đầu.

Ảnh minh họa: Reuters

Ảnh minh họa: Reuters


Những ca Covid-19 nặng có thể "đánh lừa" hệ miễn dịch sản sinh ra các kháng thể tự miễn có nguy cơ tấn công vào các tế bào khỏe mạnh và dẫn đến các triệu chứng viêm, các nhà nghiên cứu cảnh báo trong một bái báo công bố trên Nature Communications. Họ cũng tìm thấy các kháng thể tự miễn trong mẫu máu của khoảng 50% trong số 147 bệnh nhân Covid-19 mà họ nghiên cứu nhưng chiếm chưa tới 15% trong số 41 tình nguyện viên khỏe mạnh. Với 48 bệnh nhân mắc Covid-19, các nhà nghiên cứu đã xem xét mẫu máu của họ vào những ngày khác nhau, trong đó có ngày nhập viện để theo dõi sự phát triển của các kháng thể tự miễn.

"Trong 1 tuần, khoảng 20% trong số những bệnh nhân này đã phát triển các kháng thể mới trong chính tế bào của mình mà vào ngày nhập viện chưa thấy", chủ nhiệm nghiên cứu Paul Utz, Tiến sĩ thuộc Đại học Standford cho hay.

Ông cũng hối thúc mọi người hãy nhanh chóng đi tiêm vaccine.

"Bạn không thể biết trước khi nào bạn mắc Covid-19 và có phải ca bệnh nhẹ hay không. Nếu bạn mắc bệnh nặng, bạn có nguy cơ gặp rắc rối lâu dài bởi virus có thể gây nên bệnh tự miễn", chuyên gia này nhận định.

"Chúng tôi chưa nghiên cứu bất kỳ bệnh nhân nào đủ lâu để biết được liệu các kháng thể tự miễn này có tồn tại trong khoảng 1 - 2 năm sau hay không", ông Paul Utz cho biết, đồng thời lưu ý rằng, việc phát triển một loạt bệnh tự miễn nào đó cũng có thể là một khả năng xảy ra.

Một nghiên cứu mới cũng cho thấy virus SARS-CoV-2 đang lây lan mạnh hơn trong không khí. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, các bệnh nhân nhiễm biến thể Alpha có khả năng lây lan virus trong không khí nhiều hơn từ 43 - 100 lần so với chủng virus ban đầu. Một trong các nguyên nhân dẫn đến thực tế này là các bệnh nhân nhiễm biến thể Alpha có lượng virus tăng lên ở dịch mũi họng và nước bọt.

"Chúng ta đều biết biến thể Delta đang lây lan hiện nay thậm chí còn dễ lây nhiễm hơn biến thể Alpha. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các biến thể lây lan hiệu quả hơn trong không khí. Vì thế, bên cạnh tiêm vaccine, chúng ta sẽ phải cung cấp hệ thống thông gió tốt hơn và đeo khẩu trang chặt hơn để ngăn chặn sự lây lan của virus", chuyên gia Don Milton tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Maryland, đồng tác giả của nghiên cứu trên nhận định.

Ngoài ra, trong một hội thảo về ung thư ở châu Âu tuần này, 5 đội ngũ nghiên cứu cho biết, các bệnh nhân ung thư đều có phản ứng miễn dịch hiệu quả sau khi được tiêm vaccine Covid-19 mà không trải qua bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào so với những người được tiêm vaccine nói chung. Trong một nghiên cứu với 44.000 người được tiêm 2 liều vaccine Pfizer, các nhà nghiên cứu không thấy có sự khác biệt về tác dụng phụ ở gần 4.000 người tham gia đang mắc hoặc từng mắc ung thư.

Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học đã theo dõi 791 bệnh nhân ung thư được tiêm 2 liều vaccine Moderna. 28 ngày sau mũi thứ hai, mức độ kháng thể phù hợp trong máu đã được phát hiện ở 84% bệnh nhân bị ung thư đang được hóa trị, 89% bệnh nhân đang được hóa trị và điều trị bằng phương pháp miễn dịch cũng như trong 93% bệnh nhân chỉ sử dụng liệu pháp miễn dịch./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại