Đài CNN hôm 7-1 dẫn lời các nhà khoa học cho biết cá mái chèo (còn gọi là cá kiếm Trung Quốc) biến mất hoàn toàn khỏi tự nhiên trong khoảng thời gian từ năm 2005-2010. Loài cá khổng lồ này có nguồn gốc ở sông Dương Tử, con dài nhất lên tới 7 m và nặng 450 kg.
Cá mái chèo sở hữu cơ thể màu bạc và miệng dài. Chúng được các nhà nghiên cứu nhìn thấy lần cuối vào năm 2003. Đây là một phần của nhóm cá cổ đại được cho là sống từ kỷ Jura sớm, cách đây khoảng 200 triệu năm.
Số lượng loài cá này nhiều nhất là cách đây từ 34-75 triệu năm trước, phân bố chủ yếu ở sông Dương Tử. Đến cuối những năm 1970, số lượng cá mái chèo bắt đầu suy giảm vì bị đánh bắt quá mức cũng như bị phân mảnh môi trường sống.
Năm 2009, chúng được liệt kê là một loài cực kỳ nguy cấp. Trung Quốc xếp loài cá này vào nhóm động vật được nhà nước bảo vệ. Tuy nhiên, theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), việc xây dựng các con đập trên sông Dương Tử khiến tuyến đường di cư của cá mái chèo bị chặn, ngăn không cho chúng sinh sản ở thượng nguồn.
Tuần trước, Bắc Kinh đề ra lệnh cấm đánh bắt cá thương mại 10 năm tại hơn 300 khu bảo tồn dọc sông Dương Tử sau khi phát hiện số lượng các loài có nguy cơ tuyệt chủng bị suy giảm.
Học giả hàng hải Wei Qiwei tại Viện Nghiên cứu Thủy sản sông Dương Tử cho biết các nhà khoa học tin rằng cá mái chèo Trung Quốc đã tuyệt chủng vì không nhìn thấy chúng trong hơn một thập kỷ qua.
"Không thể nuôi cá mái chèo Trung Quốc trong điều kiện nuôi nhốt thành công. Do đó, khi chúng chết trong tự nhiên, loài này đã hoàn toàn tuyệt chủng" – ông Wei nói với đài CCTV.
Phát hiện trên được công bố trên tạp chí Science of the Total Environment vào cuối tháng 12-2019. Việc cá mái chèo Trung Quốc tuyệt chủng bắt nguồn từ nhiều mối đe dọa. Giới khoa học nói rằng hoạt động tối ưu hóa các nỗ lực bảo tồn hệ động vật sông Dương Tử hiện tại là hết sức cần thiết.
Theo CNN