Cá chết nghi nhiễm độc từ Vũng Áng: Bộ trưởng TN - MT nói gì?

Hoàng Đan |

Mặc dù đang tham dự Hội nghị ở New York (Mỹ) nhưng sau khi nhận được thông tin về việc cá chết nghi nhiễm độc ở Vũng Áng, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường đã có phản hồi.

Trước hiện tượng cá biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế chết hàng loạt, dư luận bày tỏ sự nghi ngờ tới việc biển Vũng Áng bị nhiễm độc và lây lan do nguồn nước thải từ khu công nghiệp chưa được xử lý.

Theo lãnh đạo Fomosa, hiện nay chỉ có duy nhất một ống xả thải trong khu công nghiệp rộng 1m, dài 1,5km, nằm sâu dưới lòng biển khoảng 17m, cách bờ biển 1,5km.

Mỗi ngày, tập đoàn xả ra 12.000 m3 nước xả thải nhưng mẫu nước đều đạt theo tiêu chuẩn nước xả thải công nghiệp quy chuẩn năm 2013 của Bộ TN&MT.

Trước thông tin này, trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, dù đang tham dự Lễ ký kết Hiệp định chống biến đổi khí hậu tại New York (Mỹ) nhưng Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà cho biết đã có chỉ đạo kiểm tra.

"Tôi đã chỉ đạo rồi khi có kết quả chính thức sẽ thông báo để nhân dân và các cơ quan báo chí biết", Bộ trưởng thông tin.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh, đối với hiện tượng cá chết hàng loạt này cần phải có kết quả đánh giá thật sự khách quan và khoa học mới xác định được nguyên nhân.

"Tình hình cá chết xảy ra trên phạm vi rộng và các cơ quan chức năng hiện đang kiểm tra rất nghiêm ngặt và khẩn trương", Bộ trưởng nêu rõ.

Cá chết chất thành đống dọc bờ biển miền Trung nhiều ngày nay. Ảnh: Người lao động
Cá chết chất thành đống dọc bờ biển miền Trung nhiều ngày nay. Ảnh: Người lao động

Trước đó, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ngay sau khi có thông tin về hiện tượng cá chết tại vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) và sau đó lan ra vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị, lãnh đạo Bộ TN&MT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng như:

Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT và Sở TN&MT các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị tìm hiểu, làm rõ nguyên nhân cá chết ở khu vực này.

Hiện các chuyên gia, cán bộ chuyên ngành quản lý môi trường, biển và hải đảo của Bộ TN&MT đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng này.

Bộ trưởng cũng đã giao Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì việc xác định nguyên nhân, đánh giá đúng nguyên nhân và tìm ra giải pháp lâu dài đối với tổ chức và cá nhân để xảy ra sự cố (nếu có) đồng thời cung cấp thông tin về sự việc.

Cũng trao đổi với chúng tôi về thông tin đường ống xả nước thải của Fomosa ra biển, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An, Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa 13 cũng đề nghị:

"Thông tin như vậy rồi thì tôi đề nghị Bộ trưởng cần cho kiểm tra ngay xem có đúng hay không. Nếu đúng như báo chí phản ánh về đường ống xả thải này thì cần phải công bố công khai thông tin đó.

Đồng thời, nếu xác định được nguyên nhân gây ra cá chết là do chất thải từ đường ống này gây ra thì rõ ràng là tội rất nặng và phải kiên quyết, xử lý thật nghiêm".

Còn GS Đinh Văn Ưu, giảng viên Khoa Khí tượng thủy văn và Hải dương học (ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội) cũng bày tỏ sự đồng tình với nhận định cho rằng, hiện tượng cá chết này là do yếu tố gây độc trong nước.

"Ở đây, có thể là do độc tố gây ra nhưng độc tố thế nào thì chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ hơn để xác định rõ ràng.

Theo tôi, Bộ Tài nguyên Môi trường cùng các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc quyết liệt hơn để làm rõ nguyên nhân", GS Ưu nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại