Thương vụ tỷ USD
Công ty mẹ của Burger King là RBI (Restaurant Brands International) vừa đạt được thỏa thuận mua lại chuỗi thương hiệu đồ ăn nhanh, chuyên gà rán Popeyes Louisiana Kitchen trên toàn cầu với giá 1,8 tỷ USD.
Thương vụ này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với RBI. Qua đó, RBI có thêm một thương hiệu đang có vị trí đặc biệt trong phân khúc vô cùng mạnh tại Mỹ (top 10 thương hiệu phát triển nhất nước Mỹ năm 2015) và triển vọng tăng trưởng quốc tế mạnh mẽ.
Trong bối cảnh thị trường kinh doanh thức ăn nhanh tại Mỹ vào những năm gần đây trở nên thách thức hơn bao giờ hết, với sự ra đời của các thương hiệu mới nổi như Shake Shack, Five Guys hay các cửa hàng đặt thức ăn nhanh trực tuyến, đã gây không ít khó khăn cho phân khúc kinh doanh thực phẩm. Vì thế, thỏa thuận của RBI có thể thúc đẩy doanh số bán hàng của thương hiệu quốc tế này.
Cửa hàng Burger King tại số 3 - Lê Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Đức Thanh
Ba năm trước, Burger King tại Mỹ đã có một thương vụ M&A khủng lên tới 12,5 tỷ USD (trong đó có 3 tỷ USD từ Berkshire Hathaway của Warren Buffett) khi mua lại cổ phần Tim Hortons (Tập đoàn nhà hàng thức ăn nhanh đa quốc gia của Canada). Sau đó đã sát nhập chung mang tên RBI, trở thành chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh lớn thứ 3 trên thế giới.
Theo ông Nguyễn Mạnh Từ, Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Dịch vụ thực phẩm và giải khát Cánh Diều Xanh (thuộc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - IPP), đối tác nhận nhượng quyền thương hiệu Burger King tại Việt Nam đứng trên phương diện chuỗi thức ăn nhanh toàn cầu, thì có thêm thương hiệu mạnh là cách nâng cao giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Việc RBI sở hữu cùng lúc các thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng toàn cầu cũng tương tự IPP sở hữu nhiều thương hiệu tại Việt Nam.
Burger King Việt Nam trông chờ RBI để phát triển
Sau những thương vụ M&A này, việc thay đổi thượng tầng cấu trúc và tái cấu trúc các thị trường mà Burger King nhượng quyền thương mại ảnh hưởng không nhỏ đến các công ty mua nhượng quyền tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm các nước như Indonesia, Thái Lan... và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Burger King vào Việt Nam năm 2012 thông qua đối tác nhượng quyền thương hiệu là Công ty TNHH Dịch vụ thực phẩm và Giải khát Cánh Diều Xanh. Thời điểm đó, thị trường Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội cho các hãng fast-food ngoại, người dân khá cởi mở và háo hức để thử các sản phẩm mới và thú vị như hamburger. Burger King đã tóm lấy thời cơ để mở rộng thị phần. Tuy nhiên, phát triển không được bao lâu thì những biến động tại công ty mẹ đã ảnh hưởng đến hoạt động của Burger King tại Việt Nam.
Đầu năm 2016, Burger King đóng cửa một số cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM với thông tin khá tiêu cực về tình hình kinh doanh, thậm chí còn bị đồn đoán sẽ tháo chạy khỏi thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, trong kinh doanh dịch vụ thức ăn nhanh, việc phải tái cấu trúc, di dời cửa hàng sau thời gian từ 1 đến 5 năm là việc hết sức bình thường.
Theo ông Từ, việc này xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân: giá mặt bằng hằng năm tăng cao, hợp đồng thuê nhà ngắn hạn từ 3 - 4 năm và kể cả chủ nhà quyết định lấy lại mặt bằng trước hạn.... Có trường hợp, Công ty chủ động di dời qua vị trí gần kề với chi phí thuê rẻ hơn...
“Việc cửa hàng BurgerKing có mặt tại hầu hết các sân bay với doanh thu ổn định đã chứng minh, sản phẩm Burger King đang ngày càng được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam”, ông Từ khẳng định.
Dẫu vậy, với những thương vụ M&A, Buger King đang trong cuộc “đại phẫu” và câu hỏi bao giờ sẽ trở lại ngoạn mục ở thị trường Việt Nam vẫn còn bỏ ngỏ.
Ông Từ cho biết, việc tái cấu trúc lấy đà đi tiếp của Buger King Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào quá trình tái cấu trúc, sát nhập của RBI với các thương hiệu fast-food khác.
Tuy nhiên, với văn hóa phục vụ và chất lượng sản phẩm, 100% thịt bò không pha trộn tạp chất trong từng miếng burger được nhập khẩu từ Australia của Burger King phục vụ các khách hàng tại Việt Nam, vẫn giúp doanh thu của Burger King tiếp tục đà tăng trưởng 50% mỗi năm sau giai đoạn tái cấu trúc vào đầu năm 2016.
Hiện Burger King có 7 cửa hàng tại Hà Nội và 8 cửa hàng tại TP.HCM. Chiến lược mở rộng cửa hãng sẽ tùy thời điểm với các biện pháp hỗ trợ phù hợp từ tập đoàn RBI. Đáng chú ý, RBI là tập đoàn đầu tư tài chính, không chuyên biệt phục vụ thức ăn nhanh, nên việc hỗ trợ phát triển thị trường Việt Nam sẽ không sớm như mong đợi.
Burger King Việt Nam sẽ mở theo nhu cầu thị trường, chứ không bị bắt buộc theo việc phát triển của bên bán nhượng quyền như hợp đồng trước kia.
Đâu là át chủ bài của IPP?
Bán đồ ăn nhanh luôn là lĩnh vực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Song việc dấn thân vào fast-food luôn cần những phép thử xem nhu cầu của khách hàng như thế nào để có chiến lược phù hợp.
Đây chính là lý do IPP chọn các thương hiệu kinh doanh khác nhau theo khẩu vị và đối tượng khách hàng. Với ngân sách dự kiến đầu tư cho lĩnh vực fast-food khoảng 100 triệu USD, hiện IPP đang có 4 thương hiệu là Burger King, Domino’s Pizza, Dunkin' Donuts, Gà Rán Popeyes Chicken với 65 cửa hàng tập trung tại Hà Nội và TP.HCM.
Trong các thương hiệu này, Burger King nhắm đến khách hàng trẻ và từng được kỳ vọng sẽ là thương hiệu fast-food đem lại hiệu quả kinh doanh nhất của IPP khi đem về nhượng quyền ở Việt Nam, nhưng đến thời điểm này, Domino’s Pizza mới là thương hiệu kinh doanh hiệu quả nhất của IPP.
Domino’s Pizza toàn cầu phát triển ổn định bởi có đội ngũ quản lý chuyện nghiệp, có kinh nghiệm phát triển thị trường mới. Đặc biệt, thương hiệu này luôn coi trọng việc phát triển sản phẩm phù hợp văn hóa địa phương mà không mất đi bản sắc sản phẩm và với mức giá vừa túi tiền đại bộ phận người tiêu dùng.
Ngoài ra, văn hóa phục vụ và phát triển con người được Domino’s Pizza đặc biệt chú trọng. Kế hoạch phát triển và mở rộng thị trường Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng và tuân thủ cam kết hơn cả mong đợi của Domino’s Pizza toàn cầu.
“Trong vòng 4 năm tới, Domino’s Pizza kỳ vọng sẽ phát triển tới 100 cửa hàng. Đây là tốc độ nhanh nhất trong khu vực, vì thị trường Việt Nam đã tin yêu và chấp nhận Domino’s Pizza”, ông Từ cho biết.
Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 do Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) ngày 10/8/2017, với chủ đề "Tìm bước đột phá".
Đây là sự kiện thường niên lớn nhất về hoạt động M&A doanh nghiệp và kết nối đầu tư tại Việt Nam, quy tụ 500 khách tham dự là các nhà làm chính sách, các chuyên gia uy tín, lãnh đạo các doanh nghiệp. Đặc biệt, Diễn đàn năm nay có sự tham gia của các doanh nghiệp hàng đầu từ Nhật Bản đến tìm hiểu cơ hội hợp tác và đầu tư.
Bên cạnh Hội thảo chuyên sâu về hoạt động M&A tại Việt Nam với chủ đề "Tìm bước đột phá"; Gala Dinner &Vinh danh các Thương vụ & Nhà tư vấn M&A tiêu biểu năm 2016- 2017; Diễn đàn sẽ phát hành Đặc san "Toàn cảnh thị trường M&A doanh nghiệp Việt Nam năm 2017" và Khóa đào tạo cao cấp về Chiến lược M&A.