Reuters đưa tin, số đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ đã tăng 18% trong năm 2023 do lãi suất tăng, các tiêu chuẩn cho vay khắt khe hơn và những hỗ trợ trong thời kỳ đại dịch đang dần kết thúc, theo công ty cung cấp dữ liệu Epiq AACER.
Tổng số đơn xin bảo hộ phá sản, bao gồm cả phá sản cá nhân và doanh nghiệp, đã tăng từ mức 378.390 đơn trong năm 2022 lên 445.186 đơn vào năm ngoái. Hơn nữa, số đơn xin bảo hộ phá sản doanh nghiệp theo Chương 11 Luật Phá sản Mỹ đã tăng 72% từ 3.819 vụ vào năm 2022 lên 6.569 vụ.
Xét trong tháng 12/2023, tổng số đơn xin bảo hộ phá sản giảm từ 37.860 đơn của tháng 11 xuống 34.447 đơn nhưng vẫn tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Michael Hunter, Phó Chủ tịch Epiq AACER nói: “Đúng như dự đoán, chúng tôi đã chứng kiến đà tăng đáng kể của số hồ sơ nộp đơn xin bảo hộ phá sản mới vào năm 2023 so với năm 2022. Ông cũng cho biết số đơn xin bảo hộ phá sản được dự đoán sẽ tiếp tục tăng lên trong năm 2024, khi các chính sách kích thích trong thời kỳ đại dịch dần kết thúc, chi phí vốn tăng, lãi suất đi lên, tỷ lệ nợ quá hạn tăng và nợ hộ gia đình đang ở gần mức cao lịch sử.
Theo số liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chi nhánh New York, nợ hộ gia đình đã ở mức cao kỷ lục 17.300 tỷ USD tính đến cuối quý III. Dữ liệu cũng cho thấy tỷ lệ nợ quá hạn đang tăng nhưng vẫn thấp hơn mức ngay trước đại dịch.
Các điều kiện tài chính đối với doanh nghiệp và hộ gia đình đã thắt chặt nhiều trong hai năm qua do chính sách nâng lãi suất mạnh mẽ của Fed để kiềm chế lạm phát. Ví dụ như lãi suất các khoản vay thế chấp trong nửa cuối năm ngoái đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2001.
Ngoài ra, chi phí đi vay đã giảm xuống và các điều kiện tài chính cũng nới lỏng hơn trong quý III/2023, sau khi Fed phát đi tín hiệu sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất. Nhiều quan chức Fed cũng dự đoán ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay.