Thời còn nhỏ, tôi cũng là một học sinh ngỗ nghịch, quậy phá. Tôi vẫn còn nhớ năm lớp 7, trong lúc đuổi nhau với thằng bạn, tôi cầm chiếc cặp ném vào nó, không may trúng cái cửa sổ.
Kính cửa sổ vỡ tan. Bác bảo vệ đi ngang chạy tới xách cổ 2 đứa đòi đưa lên gặp ban giám hiệu. Tôi giận dữ gạt tay bác ra, buông một câu hỗn hào rồi bỏ chạy. Vì hành vi đó, tôi phải mời ông ngoại lên gặp cô giáo chủ nhiệm.
Ông tôi thời trẻ vốn là thầy giáo dạy văn. Ông là tác giả của nhiều bài thơ mà những năm 1993 – 1995 còn được đưa vào sách giáo khoa cho bậc tiểu học.
Sau khi gặp cô chủ nhiệm, ông kéo tôi vào bàn làm việc và nói: “Trong sự việc này, điều khiến ông thất vọng là câu nói của cháu với người lớn chứ không phải hành động ném chiếc cặp vỡ kính”.
“Con người sẽ được đánh giá qua cách họ nói chuyện, phản ứng chứ không qua những hành động bột phát”. Tôi vẫn nhớ câu nói đó cho tới tận bây giờ.
Trở lại với thời nay, vào thời điểm đề xuất cải cách tiếng Việt của Giáo sư Bùi Hiền gây bão mạng, tôi thấy rất nhiều bạn trẻ nhân danh sự trong sáng của tiếng Việt để phản đối.
Khôi hài ở chỗ: Họ dùng những từ ngữ rất thiếu trong sáng, mà nói thẳng ra là tục tĩu, để bảo vệ cho sự trong sáng.
Từ bao giờ chửi bậy "nhiễm sâu" vào văn hóa ứng xử của giới trẻ
Vài ngày gần đây, vụ việc giáo viên tiếng Anh chửi tục tay đôi với học sinh gây xôn xao. Các bài phân tích đa phần hướng về bề nổi của vấn đề - liên quan tới đạo đức, tư cách, văn hóa ứng xử của cả cô lẫn trò.
Có rất ít người đào sâu hơn vấn đề để giải thích tại sao phản xạ rất tự nhiên của thời đại này mỗi khi gặp vấn đề trái ý đều là chửi tục?
Thời ông tôi, con người cũng nóng giận, cũng mất kiểm soát. Nhưng chửi tục tĩu thì hiếm vô cùng. Các cụ biết rất nhiều cách mượn ca dao, tục ngữ, so sánh, thậm xưng để nhấn mạnh vấn đề.
Những cách ví von đầy chua cay như: “Đỉa mà đòi đeo chân hạc”, “Chó lại đòi mặc váy lĩnh”, “Ăn mày mà còn đòi xôi gấc”, “Tin mày thì đổ thóc giống ra mà ăn”… nghe vẫn chứa đựng đầy đủ thông điệp của sự giận dữ, nhưng không rơi vào trạng thái tục tĩu.
Sự trong sáng của tiếng Việt nằm chính ở những cách biểu đạt này chứ đâu có cao xa gì?
Nhưng tất cả đã bị lãng quên. Sự nở rộ của những thứ giải trí dung tục, dễ dãi trên mạng xã hội đã vô tình tạo ra một bộ quy tắc ứng xử vô cùng lệch lạc.
Vụ giáo viên và học sinh chửi nhau qua lại bằng nhiều từ ngữ tục tĩu gây xôn xao mạng xã hội thời gian gần đây
Con người, mà tập trung vào một bộ phận rất đông giới trẻ, đang mất dần đi tư duy biểu đạt tình cảm bằng những ngôn từ trong sáng, tinh tế, sâu cay. Thay vào đó, họ chọn thứ dễ dãi là chửi tục để biểu đạt tất cả.
Buồn cũng chửi, vui cũng chửi, phấn khích – chửi, bức xúc – chửi, tán thành cũng chửi mà trái ý càng chửi. Nếu là người chơi mạng xã hội, hãy thử tình cờ lạc vào một page giải trí của giới trẻ, bất kỳ nội dung bài viết có văn minh đến nhường nào thì những comment bên dưới đa phần được đệm thêm rất rất nhiều từ ngữ tục tĩu.
Tôi ý thức được họ đệm chỉ đơn thuần để nhấn mạnh thông điệp muốn truyền tải hay do quen tay, vui mồm chứ bản thân họ thậm chí còn không ý thức được những từ ngữ bậy bạ đó có nghĩa gì.
Tuy nhiên, điều đó lại càng đáng báo động. Bởi nếu sự tục tĩu xuất phát từ vô thức thì liệu khi có ý thức, nó còn đáng sợ đến mức nào?
Những vụ việc gây bức xúc thời gian gần đây như vụ tai nạn giữa xe ô tô và xe đạp điện ở Hải Phòng, vụ giáo viên chửi học sinh… đều xuất phát từ sự dễ dãi, thờ ơ với văn hóa ứng xử mà ra.
Nếu chửi bậy thay thế hoàn toàn các cách biểu đạt cảm xúc thì cố bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt đâu còn để làm gì?