Buôn bán thuốc chữa bệnh giả có thể bị tử hình

PV/VOV1 |

Theo luật sư, hành vi buôn bán thuốc chữa bệnh giả với số lượng lớn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mức án có thể lên tới 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình.

Khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc mới liên tục tăng, nhiều đối tượng lợi dụng tình hình này để kinh doanh thuốc điều trị không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhằm trục lợi. Hành vi này bị xã hội lên án và có thể bị khởi tố hình sự.

Phóng viên VOV trao đổi với luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Hừng Đông, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

PV: Trong thời gian gần đây, lợi dụng tình trạng các ca bệnh Covid-19 ngày càng tăng ở các địa phương, cùng với tâm lý hoang mang của không ít người dân, các đối tượng đã tung ra thị trường các loại thuốc điều trị không rõ nguồn gốc. Luật sư nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Luật sư Nguyễn Danh Huế: Trong thời điểm dịch bệnh đang rất phức tạp, người dân đang rất khó khăn, đặc biệt là nhu cầu khám chữa bệnh rất cao, mà lợi dụng hoàn cảnh này để có những hành vi vi phạm pháp luật, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh rõ rang đây là những hành vi coi thường pháp luật. Nhìn ở góc độ quản lý nhà nước, tôi cho rằng công tác quản lý còn khá nhiều bất cập và chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Chúng ta có nhiều cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khám chữa bệnh, có cơ quan thanh tra về y tế, cơ quan quản lý thị trường, tuy nhiên việc buôn bán hàng giả, hàng nhái là thuốc chữa bệnh diễn ra phổ biến, dư luận đã phản ánh lâu nay nhưng tình trạng này vẫn không có dấu hiệu suy giảm. Vì thế, tôi cho rằng chức năng quản lý nhà nước chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Về góc độ xã hội, tôi cho rằng, đạo đức xã hội đang xuống cấp nghiêm trọng, trong tình cảnh người dân đang rất khó khăn, nhu cầu khám chữa bệnh tăng cao, lợi dụng tình hình này để trục lợi là không thể chấp nhận. Thêm nữa, nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân còn rất hạn chế, sử dụng thuốc chữa bệnh vào trong người nhưng với niềm tin nội tâm rất mù quáng, thậm chí nhiều người thiếu hiểu biết pháp luật, bị các đối tượng lợi dụng trục lợi trong thời điểm hiện nay.

PV: Việc mua bán, sử dụng các loại thuốc điều trị Covid-19 khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành trên thị trường tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả trong công tác phòng chống dịch. Theo quy định của pháp luật hành vi này bị xử lý như thế nào?

Luật sư Nguyễn Danh Huế: Hiện chúng ta đang có Nghị định 98 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại sản xuất hàng giả, hàng cấm. Nếu hành vi buôn bán thuốc chữa bệnh giả, hàng giả chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, đối với cá nhân có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2 triệu – 140 triệu đồng. Nếu là pháp nhân, có thể bị xử phạt từ 10 triệu đến 200 triệu đồng. Đặc biệt, nếu giá trị hàng hóa lớn, hoặc số tiền thu lợi bất chính lớn, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, khung hình phạt có thể lên tới 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình.

PV: Để ngăn chặn hành vi buôn bán thuốc tân dược không rõ nguồn gốc, cơ quan chức năng cần có những biện pháp cụ thể nào?

Luật sư Nguyễn Danh Huế: Đầu tiên, phải tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng để phát hiện kịp thời. Đặc biệt khi phát hiện, cần xử lý thật nghiêm, có chế tài áp dụng đúng, nghiêm khắc để răn đe những đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu khi tại các địa bàn, địa phương hoặc các ngành chức năng để xảy ra sai phạm, đặc biệt sai phạm số lượng lớn, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Đối với người dân, cần tăng cường tuyên truyền để người dân ý thức được nguy hại của việc dùng thuốc giả hay thuốc không nguồn gốc. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức để tự bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, khi đó hiệu quả mang lại rất lớn, các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh khó có điều kiện để trục lợi hay lừa đảo.

PV: Xin cảm ơn luật sư./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại