Ảnh minh họa: AFP.
Trong những ngày qua, giao tranh tại thành phố Severodonetsk, tỉnh Lugansk (Ukraine) vô cùng ác liệt khi hai bên quyết tranh nhau từng tấc đất.
Lợi thế nghiêng về phía Nga?
Ukraine ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn khi Donbass - một vùng rộng lớn gồm các thị trấn, nông trang, các mỏ than… có nguy cơ rơi vào vòng kiểm soát của Nga. Khu vực này đã bị chia cắt từ năm 2014 trong cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và phe ly khai thân Nga. Trước khi Moscow phát động chiến dịch quân sự vào ngày 24/2, đây là nơi sinh sống của hơn 4 triệu người.
Không có bước đột phá quyết định nào khi cuộc chiến đã bước qua ngày thứ 100. Các chỉ huy chiến trường của Ukraine bày tỏ hy vọng có thể xoay chuyển tình thế, đồng thời tiếp tục các cuộc phản công ở phía Nam, gần thành phố Kherson do Nga kiểm soát và ở phía Đông Bắc thành phố Kharkov. Nhưng cán cân ở mặt trận phía Đông đang có sự thay đổi rõ ràng dưới sức mạnh pháo binh của Nga.
Thông báo của Tổng thống Biden trong tuần này về việc Mỹ sẽ cung cấp các hệ thống tên lửa tiên tiến cho Ukraine đã củng cố hy vọng của Kiev. Bộ Quốc phòng Mỹ trước đó cũng đã gửi hơn 100 pháo tầm xa Howitzer cho Ukraine. Chưa rõ các loại vũ khí mới giúp Ukraine làm gián đoạn cuộc tấn công của Nga hay không, trong khi Điện Kremlin cảnh báo hành động của Mỹ sẽ “đổ thêm dầu vào lửa” và tạo ra một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Mỹ và Nga.
Ông Jeffrey Edmonds, một nhà phân tích tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ có trụ sở tại Arlington cho biết: “Tôi không cho rằng những vũ khí này sẽ giúp thay đổi cuộc chơi. Chúng sẽ không thể ngay lập tức đảo ngược các lợi ích của Nga”.
Dù chịu nhiều tổn thất trong thời gian qua, nhưng Nga dường như vẫn nắm lợi thế ở khu vực phía Đông, ít nhất là đến thời điểm hiện tại. Ông Jonathan Eyal – chuyên gia về NATO thuộc Viện nghiên cứu Hoàng gia Anh (RUSI) nhận xét: “Những gì chúng ta đang chứng kiến là sự khởi đầu của một xu thế đang xoay chuyển về hướng Nga trong một cuộc chiến tranh tiêu hao. Dù Moscow đã thu hẹp các mục tiêu và không cố gắng áp đảo Ukraine như ở giai đoạn đầu tiên”.
Nếu như trong giai đoạn đầu, Moscow tham vọng kiểm soát các thành phố trọng yếu của Ukraine trong đó có thủ đô Kiev trong một vài ngày và nhanh chóng lập nên một chính phủ thân Nga ở quốc gia này. Thì nay, tham vọng đó dường như đã được thu hẹp lại thành mục tiêu “giải phóng” khu vực Donbass.
Trong một phát biểu qua video trước các nhà lập pháp Luxembourg cuối tuần qua, Tổng thống Zelensky cho biết Nga đã kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine. Ông Zelensky cũng khẳng định, Ukraine sẽ không bao giờ chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ cho Nga.
Liệu bế tắc cơ bản giữa Nga và Ukraine về các vùng lãnh thổ tranh chấp có được giải quyết hay không, và nếu có sẽ được giải quyết bằng cách nào, thông qua sử dụng vũ lực, đàm phán hoặc những biện pháp khác? Đây có lẽ vẫn là những câu hỏi chính chưa có lời đáp trong cuộc xung đột gay gắt này.
Bước ngoặt nguy hiểm
Một số nhà phân tích cho rằng cuộc chiến ở phía Đông Ukraine mang hơi hướng của Thế chiến thứ 1, chủ yếu dựa vào hỏa lực pháo binh. Chiến lược của Nga là thực hiện các cuộc tiến công trên mặt đất, theo sau những cuộc tấn công bằng pháo binh nhằm tiêu diệt mục tiêu của đối phương. “Đây là cách tiếp cận truyền thống của Liên Xô và Nga: Tập trung rất nhiều hỏa lực vào một khu vực cho đến khi hạ được đối thủ”, chuyên gia Jonathan Eyal nhận định.
Tháng 5 vừa qua, Nga đã đạt được bước tiến lớn khi giành quyền kiểm soát thành phố cảng Mariupol – một thành phố trọng yếu và là biểu tượng cho sự kháng cự của Ukraine. Mariupol là một phần của tỉnh Donetsk. Việc nắm giữ thành phố này giúp Nga kiểm soát một hành lang đất liền nối từ Donbass đến Bán đảo Crimea được Moscow sáp nhập vào năm 2014.
Cách Mariupol khoảng 265km về phía Đông Bắc, các lực lượng Nga gần như đã hoàn toàn đạt được mục tiêu lớn tiếp theo của họ là giành quyền kiểm soát thành phố công nghiệp Severodonetsk – trung tâm hành chính lớn của tỉnh Lugansk từ năm 2014. Nếu giành được Severodonetsk, Nga sẽ có cơ hội kiểm soát thành phố tiếp theo là Lysychansk, nằm bên kia sông Seversky Donets. Với Ukraine, việc để mất hai thành phố này sẽ đồng nghĩa với việc mất hoàn toàn Lugansk.
Trong khi đó, Nga cũng đã đẩy mạnh các cuộc tấn công theo hướng Slovyansk và Kramatorsk, hai thành phố chính ở tỉnh Donetsk vẫn nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Ukraine.
Khi giao tranh cán mốc 100 ngày, nhiều người đặt câu hỏi cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ diễn biến ra sao trong 100 ngày tiếp theo, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đang bị đình trệ. Mark Cancian, chuyên gia thuộc viện chính sách CSIS (Mỹ) cho rằng, giao tranh sẽ chuyển thành cuộc xung đột đóng băng.
“Không bên nào chấp nhận thỏa hiệp hoặc nhượng bộ. Chừng nào điều này còn tiếp diễn, chúng ta có thể thấy sự tạm dừng không chính thức, một dạng xung đột “đóng băng”, ông Mark Cancian lưu ý.
Còn James Landale – nhà phân tích của BBC nhận định, Nga có thể triển khai lực lượng đến những nơi khác thậm chí có thể nhắm vào Kiev một lần nữa. Các quan chức phương Tây lưu ý, Nga vẫn có kế hoạch giành quyền kiểm soát thủ đô Kiev dù gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ trong giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự. Trước đó hôm 5/6, quân đội Ukraine cáo buộc Nga tấn công Kiev bằng tên lửa hành trình phóng từ biển Caspi, trúng một cơ sở sửa chữa toa xe. Đây là vụ tấn công đầu tiên vào thủ đô trong nhiều tuần qua./.