Ngăn chặn hoặc kìm hãm quá trình biến đổi khí hậu là một trong những mục tiêu buộc phải thực hiện của nhân loại trong thế kỷ 21 này. Và một trong những tác nhân chính đẩy nhanh quá trình này là khí CO2 - Carbon dioxide.
CO2 chính là thủ phạm khiến Trái đất nóng lên, gây ra nhiều hiện tượng khí hậu cực đoan như chúng ta đã từng được chứng kiến trong những năm gần đây. Chính vì thế, loài người buộc phải cắt giảm lượng khí thải ra hàng năm, đồng thời tìm cách loại bỏ khí CO2 vốn đã rất nhiều trong khí quyển.
Nhưng vấn đề là ở chỗ muốn hút CO2 ra khỏi khí quyển là một tham vọng khá... phi thực tế, vì nó tiêu tốn một số tiền quá lớn, đồng thời vẫn chưa tìm ra một phương pháp hiệu quả nào để thực hiện điều đó.
Tuy nhiên mới đây, các nhà khoa học đã nghĩ ra một phương pháp có thể thay đổi toàn bộ cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu: biến khí thải CO2 thành dạng rắn.
CO2 sẽ trở thành những cục carbon dạng rắn như thế này
Đây là thành quả của nhóm khoa học tại Iceland khi họ cho rằng CO2 trong khí quyển có thể bơm ngược xuống lòng đất, rồi thực hiện các bước biến đổi hoá học để hình thành dạng rắn. Thực chất, ý tưởng không hẳn là mới nhưng chưa có ai thực hiện nó một cách hiệu quả và nhanh chóng.
Còn với phương pháp mới này, các chuyên gia cho biết họ có thể biến CO2 thành dạng rắn chỉ trong vài tháng - một khoảng thời gian phải nói là quá ngắn. Theo Martin Stute - nhà khoa học thủy văn thuộc ĐH Columbia (Mỹ):
"Điều này chứng tỏ rằng chúng ta có thể tách một lượng lớn CO2 ra khỏi khí quyển chỉ trong thời gian ngắn".
Đá Co2
Dự án biến CO2 thành rắn mang tên CarbFix, được thực hiện tại Hellisheidi - nhà máy địa nhiệt lớn nhất thế giới tại Iceland. Các chuyên gia sẽ trộn CO2 và hydrogen sulphide (H2S), rồi bơm tất cả xuống lòng đất bazan tại miệng núi lửa đặt bên dưới nhà máy.
Khi H2S gặp CO2 và nước, chúng sẽ tạo thành tinh thể dạng rắn có màu trắng đục. Juerg Matter - kỹ sư địa chất thuộc ĐH Southampton (Anh) chia sẻ: "Kết quả nghiên cứu cho thấy khí bắt đầu kết tinh chỉ sau vài tháng, và toàn bộ quá trình kết thúc với 95% - 98% khí kết tinh trong 2 năm, tức là rất nhanh".
Hệ thống bơm CO2 xuống lòng đất trong nhà máy địa nhiệt
Nhưng "nhốt" khí CO2 dưới lòng đất có nguy hiểm không? Matter cho biết các tinh thể carbonate không thể rò rỉ ra đất xung quanh, vì thế phương pháp này có thể nói là cực kỳ thân thiện với môi trường.
Hơn nữa, đất bazan là loại đất có trữ lượng lớn nhất thế giới, cho thấy tiềm năng lưu trữ CO2 cực lớn của phương pháp này.
Thực ra, cũng có một số cách khác để giải quyết lượng CO2 trong khí quyển. Tuy nhiên, phương pháp mới này đang được đánh giá là bước ngoặt của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, khi có thể giải quyết được một lượng lớn carbon trong khí quyển trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho biết vẫn còn rất nhiều nghiên cứu phải thực hiện, nhằm đưa ra kết luận cuối cùng về phương pháp này. Ước tính nếu thành công thì chỉ với riêng nhà máy Hellisheidi, sẽ có tới 5000 tấn CO2 được "nhốt" lại mỗi năm.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature.
Nguồn: Science Alert