Học sinh khối 10 TPHCM trong lễ khai giảng năm học 2022 - 2023. Ảnh: INT
Năm học 2023 - 2024, Sở GD&ĐT TPHCM đề xuất thí điểm tuyển sinh theo hệ thống bản đồ GIS tại TP Thủ Đức, Quận 8 và Tân Bình thay vì phân tuyến theo địa giới hành chính phường như trước. Cách thức tuyển sinh mới này sẽ giúp phụ huynh thuận tiện hơn bởi con em được học trường gần nhà nhất có thể.
Giảm áp lực
Theo ông Võ Thiện Cang, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT TPHCM, ứng dụng bản đồ số GIS đã được TPHCM tích hợp vào hệ thống đăng ký trực tuyến tuyển sinh lớp 10 năm học 2022 - 2023. Hình thức mới này giúp phụ huynh, học sinh xác định được vị trí, khoảng cách của trường mình lựa chọn. Khi học sinh chọn các nguyện vọng, khoảng cách từ nhà đến trường sẽ hiện ra bên cạnh. Đồng thời, bản đồ số mang tính nhắc nhở, cảnh báo học sinh cần cân nhắc, tránh chọn những trường quá xa nhà.
Năm học 2023 - 2024, Sở GD&ĐT TPHCM đề xuất thí điểm 3 địa bàn mang đặc thù gồm TP Thủ Đức (quy mô thành phố), Quận 8 (dân nhập cư không quá đông), quận Tân Bình (gần như không có dân nhập cư) sẽ tuyển sinh theo hệ thống bản đồ GIS thay cho phân tuyến địa giới hành chính.
Nhờ vậy, học sinh, phụ huynh có thể biết trường học cách nhà bao xa để lựa chọn phù hợp. Nếu phân tuyến theo địa giới hành chính như trước, học sinh quận nào sẽ học quận đó, phường nào học ở phường đó, nhưng với bản đồ GIS học sinh quận này có thể học trường gần nhà nằm bên quận khác, học sinh phường này có thể học trường gần nhà thuộc phường khác.
Ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD&ĐT Quận 8, địa bàn sẽ thực hiện thí điểm đưa hệ thống bản đồ GIS vào tuyển sinh năm học tới, cho biết, địa phương có nhiều khu liên phường giáp ranh nhau. Hàng năm, việc phân tuyến tuyển sinh đầu cấp theo phường khiến nhiều học sinh dù nhà ở gần trường, thậm chí chỉ cách nhau con đường vẫn không được học tại trường đó vì không đúng tuyến.
Học sinh ở các cụm liên phường như phường 2, 3, 4; cụm phường 5, 6, 7 khi tuyển sinh phân tuyến theo phường, học trường đúng tuyến còn xa hơn trường trái tuyến. Hằng năm, quận cũng mạnh dạn giải quyết một số trường hợp theo liên phường. Tuy nhiên, chỉ được một phần nhỏ.
“Triển khai đại trà trên toàn quận hình thức tuyển sinh đầu cấp liên phường, theo bản đồ GIS là thay đổi mạnh mẽ, giúp phụ huynh và địa phương bớt ‘nóng’ vào mỗi mùa tuyển sinh; giảm bớt áp lực, khắc phục được những tồn tại trước đây khi vào mùa tuyển sinh”, ông Dân cho hay.
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức) trong buổi tựu trường.
Mang đến nhiều thuận lợi
Cũng theo ông Dân, Quận 8 đang tập hợp số liệu cư trú của học sinh, phụ huynh học sinh kê khai lại địa chỉ nơi cư trú có thay đổi so với trước không. Từ đó, phòng sẽ đối chiếu, căn cứ vào sức chứa của trường, đưa lên phần mềm để tính toán chỗ học thuận lợi nhất cho học sinh.
Ông Dân cho hay: “Số liệu học sinh thì quận đã nắm tương đối đầy đủ, không quá khó khăn khi thực hiện tuyển sinh theo bản đồ GIS nhưng lo nhất là áp lực đối với các trường có sức nóng trong tuyển sinh đầu cấp hằng năm, thu hút nhiều phụ huynh học sinh mong muốn cho con theo học. Quận đang tính toán, phối hợp kỹ với chính quyền địa phương, đảm bảo xác thực được trường hợp học sinh có nơi cư trú thực tế chứ không phải là mượn địa điểm để ở, tuyệt đối tránh tình trạng 1 căn nhà gần trường mấy chục em cùng sinh sống”.
Còn theo ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Bình, bỏ hộ khẩu, do đó địa phương vẫn là đơn vị chủ lực trong việc rà soát lại trẻ ở độ tuổi đến trường trên địa bàn. Quận Tân Bình có 15 phường, qua rà soát sơ bộ số học sinh đầu cấp không tăng so với năm học trước, các trường học trên địa bàn cơ bản đáp ứng được hết chỗ học.
Tuyển sinh đầu cấp không theo địa giới hành chính phường mà áp dụng bản đồ GIS sẽ tạo thuận lợi cho phụ huynh, học sinh khi được học ở trường gần nhà nhất; địa phương giảm áp lực trong tuyển sinh đầu cấp. Các địa bàn “nóng” về sĩ số học sinh, phường giáp nhau sẽ chia sẻ. Tuy nhiên, chắc chắn vẫn gặp khó khăn ở các trường có sức nóng, vì vậy đòi hỏi phải tính toán thật kỹ.
Tại quận Tân Bình, nguyên tắc tuyển sinh là học ở trường gần nhà, tiếp đó là xoay trục. Những trường hợp ở địa bàn khác có thể được phân vào trường gần nhà nhưng thuộc phường khác. Vì vậy, đơn vị xác định cần phải xác định rõ thực tế số trẻ đang cư trú ở địa bàn đó để phân trường phù hợp; quan trọng nhất là phụ huynh phải hiểu, nhận thức đúng để đồng hành.
“Cùng với việc nắm chắc số liệu học sinh đầu cấp, phòng sẽ phối hợp với UBND 15 phường đẩy mạnh tuyên truyền cho phụ huynh hiểu rõ chủ trương mới. Năm đầu tiên áp dụng, trước hết cần thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý phường, thông qua cán bộ phường tuyên truyền trực tiếp đến phụ huynh học sinh để hiểu. Trách nhiệm của phường rất quan trọng, làm sao giúp phá vỡ tư tưởng cũ, chuyển sang tư tưởng mới”, ông Trần Khắc Huy chia sẻ.
Chị Đặng Thị Dưng trú tại phường Phú Hữu (TP Thủ Đức) cho biết: “Tôi được biết TP Thủ Đức năm nay dự kiến tuyển sinh đầu cấp không theo hình thức phân tuyến như trước đây. Nếu làm được như vậy, chúng tôi rất vui mừng. Bởi nếu theo hình thức phân tuyến như mọi năm thì tới đây con gái tôi vào lớp 1 sẽ học tại Trường Tiểu học Phú Hữu thuộc phường nơi cư trú. Còn nếu theo như cách thức mới, cháu sẽ học Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi thuộc phường Bình Trưng Đông. Dù trường khác phường nhưng khoảng cách lại gần hơn, gia đình sẽ thuận lợi cho việc đưa đón”.