Bước đi "lùi mà tiến" lớn của Triều Tiên

Khánh Minh |

Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) cho biết quan sát được công tác chuẩn bị của Triều Tiên để mời thanh sát viên quốc tế kiểm chứng một số bãi thử tên lửa và hạt nhân của nước này.

Sau cuộc họp kín với quan chức NIS ở Seoul, nghị sĩ Đảng Dân chủ cầm quyền Kim Min-ki nói với báo giới rằng NIS luôn theo dõi chặt chẽ các cơ sở tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

“Triều Tiên đã tháo dỡ bãi thử hạt nhân Punggye-ri và phá huỷ một phần cơ sở tên lửa Tongchang-ri” - Yonhap dẫn tuyên bố của ông Kim Min-ki - Thư ký Uỷ ban Tình báo Quốc hội Hàn Quốc cho biết hôm 31.10.

“NIS phát hiện các hoạt động chuẩn bị dường như sẵn sàng cho chuyến thị sát của thanh sát viên nước ngoài” - ông Kim bổ sung, đồng thời nói rằng Seoul theo dõi sát sao các cơ sở tên lửa và hạt nhân, bao gồm lò phản ứng Yongbyon 5 megawatt của Bình Nhưỡng.

Tuyên bố chung Hàn-Triều hồi tháng 9 khẳng định cam kết của Triều Tiên tháo dỡ vĩnh viễn bãi thử động cơ tên lửa Tongchang-ri và bệ phóng tên lửa “dưới sự giám sát của các chuyên gia và các nước liên quan”. 

Triều Tiên cũng bày tỏ sẵn sàng có thêm các bước đi, bao gồm “tháo dỡ vĩnh viễn cơ sở hạt nhân ở Yongbyon”, để đổi lấy “các biện pháp tương ứng” từ Mỹ.

Trước đó, trong chuyến thăm Bình Nhưỡng hồi tháng 10 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo , nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho biết ông sẵn sàng mời các thanh sát viên quốc tế đến bãi thử hạt nhân Punggye-ri như một biện pháp xây dựng lòng tin bổ sung.

Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó nói rằng việc thanh sát nhằm mục đích xác nhận liệu bãi thử hạt nhân Punggye-ri đã “tháo dỡ không thể đảo ngược” hay chưa. Thời gian cho việc thanh sát chưa được quyết định, mặc dù ông Kim “đã sẵn sàng cho phép” khi công tác hậu cần hoàn tất.

Nếu thông tin tình báo của Hàn Quốc là chính xác thì việc Triều Tiên cho phép thanh sát viên quốc tế vào các bãi thử hạt nhân là bước đi lớn của nước này để thực hiện cam kết "lùi" về hạt nhân và "tiến" để đổi lấy các biện pháp tương ứng từ Mỹ, cụ thể là được dỡ bỏ trừng phạt.

Trong tuần này Mỹ cũng đã nhất trí thành lập “nhóm làm việc” với Hàn Quốc để bàn thảo các vấn đề liên quan đến Triều Tiên, trong đó có phi hạt nhân hoá và quan hệ liên Triều.

Ngày 31.10, phát ngôn viên Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-keum cho biết mục tiêu của nhóm làm việc là “thảo luận có hệ thống hơn” các vấn đề tồn đọng, và tham vấn chặt chẽ hơn giữa Mỹ và Hàn Quốc trong toàn bộ quá trình đạt được phi hạt nhân hoá và hoà bình trên bán đảo Triều Tiên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại