Bước đi lỡ làng của IMF với Myanmar?

Phạm Nghĩa |

Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã gửi 350 triệu USD tiền mặt cho chính phủ Myanmar, một phần của gói viện trợ khẩn cấp không ràng buộc nhằm giúp nước này chống lại đại dịch Covid-19.

Theo Reuters, vài ngày sau động thái trên, quân đội Myanmar đảo chính, bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các quan chức dân cử khác.

Dường như IMF có rất ít khả năng thu hồi khoản viện trợ 350 triệu USD. Đó là một phần của chương trình tài trợ Covid-19 được giải ngân nhanh chóng mà hầu như không có điều kiện, được hội đồng IMF phê duyệt hôm 13-1, theo các nguồn thạo tin và chuyên gia tài chính quốc tế.

Một phát ngôn viên của IMF viết trong email gửi Reuters hôm 2-2: "Chúng tôi đang theo dõi sát sao tình hình. Chúng tôi lo ngại sâu sắc về tác động của các sự kiện đối với nền kinh tế và người dân Myanmar". Người này cũng xác nhận khoản viện trợ 350 triệu USD cho Myanmar đã được hoàn tất vào tuần trước.

Bước đi lỡ làng của IMF với Myanmar? - Ảnh 1.

Logo của IMF bên ngoài trụ sở ở Washington - Mỹ. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo sẽ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với giới lãnh đạo quân sự Myanmar. Song song đó, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ dừng viện trợ nước ngoài dành cho quốc gia Đông Nam Á này.

Mỹ là cổ đông chi phối trong IMF, tổ chức đã viện trợ cho Myanmar khoảng 700 triệu USD khẩn cấp trong 7 tháng qua để chống lại đại dịch Covid-19. Trong số này bao gồm cả khoản tiền 350 triệu USD vào tuần trước (116,6 triệu USD thông qua quỹ tín dụng nhanh của IMF và 233,4 triệu USD thông qua chương trình tài trợ nhanh).

Không giống như những chương trình tài trợ thông thường của IMF vốn đi kèm tiêu chuẩn đánh giá hiệu suất, viện trợ khẩn cấp thường được cung cấp nhanh chóng, gần như không có cách nào thu hồi nếu xảy ra rủi ro.

Nhà cựu kinh tế IMF kiêm quan chức Bộ Tài chính Mỹ Stephanie Segal bình luận: "Đây không phải là chương trình được thương lượng, không có điều kiện và không có đánh giá về tương lai các khoản giải ngân. Tôi chưa thấy lần nào IMF phê duyệt khẩn cấp mà thu hồi tiền lại được".

Một trong những nguồn tin cho biết tình huống tốt nhất là chính phủ Myanmar hiện tại sẽ chi tiêu một cách hợp lý vì họ muốn thiết lập quan hệ tốt đẹp với IMF. Đối tác của IMF ở Myanmar là ngân hàng trung ương nước này.

Trong một diễn biến khác, nhân viên tại 70 bệnh viện và cơ sở y tế tại 30 thị trấn trên khắp Myanmar đã đình công để phản đối quân đội nắm quyền.

Bước đi lỡ làng của IMF với Myanmar? - Ảnh 2.

Công dân Myanmar ở Bangkok - Thái Lan hôm 2-2 cầm bức ảnh bà Aung San Suu Kyi để phản đối quân đội đảo chính. Ảnh: Reuters

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại