“Bước đi đường vòng" của EU trong việc hỗ trợ Ukraine

Hồng Nhung |

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Liên minh châu Âu diễn ra ở Bỉ hôm qua (30/8) đã quyết định nâng mục tiêu huấn luyện binh sĩ Ukraine. Tuy nhiên, việc huấn luyện binh sĩ này sẽ được thực hiện bên ngoài Ukraine.

Phát biểu trước báo giới, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu phụ trách chính sách An ninh và Đối ngoại Josep Borrell cho biết, Liên minh châu Âu muốn huấn luyện khoảng 75.000 binh sĩ Ukraine trong năm nay. Con số này cao hơn mục tiêu trước đó mà Liên minh châu Âu đưa ra trước đó là huấn luyện cho 60 nghìn binh sĩ quốc gia Đông Âu này trong năm 2024.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và ông Josep Borrell (phải). Ảnh: AP

Theo ông Josep Borrell, quá trình đào tạo sẽ được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Ukraine: "Huấn luyện binh sĩ tại Ukraine, tại sao không? Điều này sẽ thuận lợi bởi họ được gần với môi trường nơi họ sẽ phải chiến đấu hơn. Tuy nhiên, hiện tại một số quốc gia thành viên đã sẵn sàng, một số khác thì miễn cưỡng. Cuối cùng, chúng tôi quyết định rằng việc đào tạo sẽ diễn ra gần Ukraine nhất có thể, nhưng không phải trên lãnh thổ Ukraine. Chúng tôi đã quyết định thành lập một đơn vị điều phối nhỏ tại Ukraine để đảm bảo sự phối hợp tốt nhất với Ukraine và các đối tác của chúng tôi.

Có những quốc gia rất xa Ukraine song họ đang làm việc rất tốt, đào tạo rất nhiều binh lính và cung cấp cho Ukraine chương trình đào tạo chất lượng cao, trình độ cao. Vì vậy, việc đào tạo binh sĩ Ukraine từ bên ngoài có lẽ không mang tính quyết định".

Quyết định của Liên minh châu Âu đã vô hình chung khiến Ukraine phải thất vọng. Bởi trước đó, Ukraine đã không ít lần yêu cầu Liên minh châu Âu xem xét một số chương trình đào tạo bên trong Ukraine, với lý do rằng cách này sẽ  đẩy nhanh hơn, tiết kiệm chi phí hơn cũng như dễ dàng hơn về mặt hậu cần so với việc huấn luyện binh sĩ Ukraine bên trong lãnh thổ Liên minh châu Âu.

Tuy nhiên, quyết định của Liên minh châu Âu cũng cho thấy, hai vấn đề mà khối này đang phải đối mặt. Đó là tránh làm gia tăng xung đột với Nga và những bất đồng trong nội bộ Liên minh châu Âu không dễ gì thống nhất trong một sớm một chiều.

Từ tháng 2 năm nay, khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lần đầu tiên đề cập khả năng đưa binh sĩ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)  tới Ukraine, nhiều đồng minh và cả Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã lập tức bác bỏ. Theo giới phân tích, Liên minh châu Âu có thể nâng mức cam kết của mình trong việc hỗ trợ đào tạo binh sĩ Ukraine trong bối cảnh giao tranh ác liệt vẫn đang tiếp diễn tại quốc gia Đông Âu này.

Tuy nhiên, việc đào tạo tại chỗ cho binh sĩ Ukraine hiện vẫn là một vấn đề gây tranh cãi. Một số nước Liên minh châu Âu, bao gồm Estonia, Pháp và Thụy Điển, ủng hộ việc đào tạo tại chỗ cho binh sĩ Ukraine, nhưng những quốc gia khác như Hungary lại không muốn có bất kỳ sự hiện diện quân sự nào của châu Âu tại Ukraine thậm chí là cả chuyên gia huấn luyện.

Bên cạnh đó, phương Tây về cơ bản vẫn muốn giữ căng thẳng với Nga ở mức dưới ngưỡng một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba. Trải qua 2 cuộc chiến tranh thế giới, Liên minh châu Âu hiểu rõ những mặt trái của chiến tranh là như thế nào và việc kích động một cuộc chiến tranh thế giới nữa sẽ không hề mang lại lợi ích gì cho bản thân châu Âu và thế giới.

Trong khi đó, về phía Nga, giới chức Nga cũng đã nhiều lần đưa ra những cảnh báo đanh thép về nguy cơ chiến tranh toàn diện với NATO nếu lính NATO trực tiếp tới Ukraine tham chiến. Do đó, thay vì đối đầu trực tiếp với Nga, Liên minh châu Âu cần phải lựa chọn một giải pháp an toàn hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại