Ảnh minh họa/INT
Các quốc gia châu Phi, đặc biệt là khu vực cận Sahara, đã đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng này, trong khi dân số ở nhiều quốc gia có thu nhập cao đang giảm.
Cụ thể, châu Á đóng góp 1/2 dân số trong mức tăng nhân khẩu học để thế giới đạt 8 tỷ người, theo sau là châu Phi với mức tăng gần 400 triệu người. Dự kiến, châu Phi và châu Á sẽ thúc đẩy sự gia tăng dân số cho đến khi Trái đất đạt mức 9 tỷ người vào năm 2037.
Nếu xu hướng này tiếp tục tăng trong vài thập kỷ tới, mối quan hệ giữa “lục địa đen” châu Phi với phần còn lại của thế giới sẽ thay đổi mạnh mẽ.
Theo điều tra dân số, ở hầu hết các nước công nghiệp như Nhật Bản, Hàn Quốc hay các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), tỷ suất sinh hiện chưa đạt mức sinh thay thế, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong tương lai.
Tuy nhiên, châu Phi đang vận hành theo hướng ngược lại. Khu vực cận Sahara hiện có tỷ lệ sinh trung bình cao nhất thế giới (ở mức 4,6 trẻ em/phụ nữ), trong đó Niger là quốc gia đứng đầu danh sách (tỷ lệ 6,8 trẻ em/phụ nữ) còn Somalia theo sau ở mức 6.
Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, dân số châu Phi sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 và chiếm 1/4 dân số thế giới. Các xã hội châu Phi không chỉ phát triển nhanh, mà còn “trẻ” hơn rất nhiều so với các quốc gia khác. Trong khi độ tuổi trung bình ở châu Âu là 42,5 thì con số này tại châu Phi là 18.
Theo nhà nghiên cứu cấp cao Blessing Mberu, Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe và Dân số châu Phi, Kenya, việc gia tăng dân số giúp châu Phi phát triển, nhất là khi lục địa này có đủ đất đai và tài nguyên cho việc mở rộng dân số. Các nhà máy, đường cao tốc, công nghệ hay cơ sở hạ tầng sẽ không tự dưng xuất hiện mà cần những người xây dựng, quản lý và sử dụng chúng.
Nhiều chuyên gia đồng tình rằng về lâu dài, sự gia tăng dân số tại châu Phi sẽ thúc đẩy nền kinh tế của lục địa và thu hút đầu tư từ các khu vực khác trên thế giới. Ngay trong tình huống xấu là các quốc gia châu Phi không cung cấp đủ việc làm cho người dân, họ có thể di cư đến nơi khác, đơn cử là các quốc gia có nhu cầu lớn về nguồn lao động trẻ.
Di cư mang lại cho người lao động cơ hội nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm ở nước sở tại và sau đó mang những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới về cho đất nước, góp phần vào sự phát triển quốc gia. Chưa kể, số tiền do kiều bào gửi về, cũng chiếm một phần đáng kể trong nền kinh tế quốc gia.
Về mặt xã hội, việc gia tăng dân số còn có thể giảm bất bình đẳng. Việc các quốc gia phụ thuộc vào nguồn lao động đến từ châu Phi sẽ trở thành đòn bẩy giúp lục địa này cân bằng vị thế trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, việc gia tăng dân số cũng kéo theo không ít thử thách cho các quốc gia châu Phi, trong đó phải kể đến việc đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, y tế và bất bình đẳng trong xã hội.
Theo đó, ở những xã hội phát triển, đầu tư cho giáo dục, y tế và kinh tế ở thành thị sẽ được quan tâm, từ đó dẫn đến làn sóng di cư từ nông thôn lên thành thị. Điều này sẽ tạo ra những khu ổ chuột – vấn đề mà nhiều thành thị lớn trên thế giới vẫn chưa thể giải quyết.