Cơ quan y tế Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) xác nhận sự bùng phát nhiễm vi khuẩn Streptococcus nhóm B liên quan đến nguồn cá nước ngọt. Ảnh: scmp.com
Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe Hong Kong (CHP) cho biết, từ tháng 9 đến ngày 10/10, nhà chức trách đã phát hiện 79 trường hợp nhiễm vi khuẩn Streptococcus nhóm B ở các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. Trong số này, 32 trường hợp mang một chủng được gọi là loại trình tự serotype III, loại 283, gần như giống hệt về trình tự gene của 5 mẫu cá hoặc môi trường được lấy tại các chợ mà một số bệnh nhân từng đến.
Cho đến nay, 7 trong số 79 bệnh nhân nhiễm vi khuẩn đã tử vong. Một số bệnh nhân từng đến chợ trên đường Yeung Uk ở Tsuen Wan và một cửa hàng ở Kai Tei ở Yuen Long.
Các cuộc điều tra cho thấy một số bệnh nhân từng xử lý cá nước ngọt, bao gồm cả cá trắm cỏ, trước khi nhiễm bệnh. Một số người cho biết đã xử lý cá nước ngọt sống mặc dù họ có vết thương trên tay. Còn một số người khác kể lại rằng họ đã ăn “cháo cá tươi luộc”, một món ăn phổ biến trong đó phi lê cá sống được đặt trong cháo sôi.
CHP cho rằng việc người xử lý cá nước ngọt sống khi có vết thương ở tay hoặc ăn cá nước ngọt chưa nấu chín có thể là nguyên nhân gây nhiễm trùng.
Hiện nguyên nhân chính xác của đợt bùng phát vẫn đang được điều tra làm rõ.
Ông Hà Bách Lương, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Hong Kong, cho biết một số trường hợp bị nhiễm trùng nghiêm trọng ở não và tim. Ông kêu gọi chính quyền khuyến cáo các đầu bếp, người nội trợ và người giúp việc nhà về những rủi ro và truy tìm nguồn gốc của cá bị nghi nhiễm bệnh. Nếu vi khuẩn có thể được phát hiện từ cá từ một số nguồn nhất định trong một thời gian dài thì chính quyền nên cắt chuỗi cung ứng đó.
Trong khi đó, ông Tăng Kỳ Ân, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, cảnh báo phụ nữ vừa sinh con và trẻ sơ sinh có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn. Chính vì vậy, ông khuyến cáo người dân nên tránh tự tay chọn cá sống ở chợ và đeo găng tay khi xử lý hải sản ở nhà và nấu cá chín kỹ. Những người có vết thương ở tay, khả năng miễn dịch bị suy giảm hoặc mắc các bệnh mãn tính, bao gồm bệnh tiểu đường và bệnh thận, cũng như những người sử dụng steroid nên chú ý hơn.
Liên cầu nhóm B là vi khuẩn thường thấy ở đường ruột, tiết niệu và sinh sản. Vi khuẩn này thường không có hại và không dẫn đến bất kỳ triệu chứng nào, nhưng cũng có thể gây nhiễm trùng máu, xương, phổi hoặc các màng bảo vệ bao phủ não và tủy sống.